Kỳ 1: Cả làng kéo nhau đi bán hàng rong tạo ra món ăn nổi tiếng toàn cầu
Kỳ 2: Cú sốc của phở và chuỗi ngày kinh hoàng của các ông chủ ở Hà Nội
Kỳ 3: Nhờ bí mật trong bát phở, chàng trai thành Nam tán đổ cô gái Hà Nội
Video: Anh Vượng (áo đỏ) và các chiến sĩ chế biến phở trên tàu ra Trường Sa
"Chú có làm được không?"
Nhớ lại chuyến mang phở Nam Định ra Trường Sa, anh Vũ Ngọc Vượng (quê làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, hiện kinh doanh phở tại Hà Nội) vẫn còn xúc động.
“Chuyến đi kì công lắm. Nhiều người ra công tác Trường Sa, hành trang chỉ là giấy bút, máy tính, máy ảnh… riêng tôi mang theo 50 thùng hàng”, người đàn ông sinh năm 1977 bắt đầu câu chuyện bằng giọng bồi hồi.
Sinh ra trong gia đình 3 đời làm nghề phở nên từ nhỏ, anh Vượng đã gắn liền với hương vị phở. Năm 1993, anh theo bố lên Hà Nội hành nghề. Lúc ở độ tuổi 20, anh đã sở hữu quán riêng.
Sau đó, anh lần lượt mở thêm các cơ sở bán phở truyền thống Nam Định ở các phố Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chánh, Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Tuân và đường Phạm Văn Đồng, được nhiều thực khách ưa chuộng. Trung bình mỗi ngày hệ thống cửa hàng của anh tại Hà Nội bán 2.000-3.000 bát phở truyền thống.
Chuyến đi Trường Sa hồi tháng 4 vừa qua là lần thứ 3 anh Vượng mang phở phục vụ các cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ nơi đảo xa.
Trước đó, cách đây 10 năm - năm 2013, anh Vượng đến Trường Sa lần đầu tiên.
Năm ấy, người anh thân thiết của anh Vượng là nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ (công tác tại Thông tấn xã Việt Nam) bộc bạch: "Giờ ra Trường Sa chỉ mang phở là quý". Nói rồi, anh Kỳ hỏi người em: “Chú có làm được không?”.
Nhận câu hỏi bất ngờ, anh Vượng trả lời chắc nịch: “Em sẵn sàng nhưng cần 1 tuần để thử nghiệm bảo quản thực phẩm”.
Theo anh Vượng, mang phở ra đảo là một việc không đơn giản vì phải đưa theo rất nhiều nguyên liệu như rau, bánh phở, thịt bò... Bát phở ngon, chuẩn vị thì ngoài bí quyết riêng, thực phẩm sử dụng phải tươi, sạch.
"Một chuyến đi Trường Sa cần hơn 10 ngày nên tôi phải thử nghiệm xem làm cách nào giữ được thực phẩm tươi ngon nhất".
Khi đã tìm ra cách giữ thực phẩm tươi, dễ dàng vận chuyển ra đảo, anh Vượng quyết tâm tham gia đoàn công tác ra Trường Sa. Năm đó, chuyến đi của anh Vượng thành công rực rỡ. Hơn 1.000 bát phở đã được anh Vượng chế biến tặng các cán bộ, chiến sĩ trên tàu và 3 điểm đảo.
Cho xin thêm 1 bát nữa
“Khi bát phở được bê ra, việc đầu tiên các chiến sĩ làm là chụp ảnh món ăn. Gương mặt ai cũng háo hức, hạnh phúc. Nhiều chiến sĩ rưng rưng nhớ nhà vì đã lâu lắm rồi, kể từ khi ra đảo làm nhiệm vụ, họ chưa được ăn phở. Lại có chiến sĩ là người vùng sâu, vùng xa chưa từng được ăn phở nên rất xúc động”, anh Vượng nhớ lại.
Ngắm các cán bộ, chiến sĩ thưởng thức phở, nhận thấy sự trân trọng của mọi người dành cho món ăn mà mình tâm huyết, anh Vượng rất hạnh phúc. Vì vậy, khi có chiến sĩ dè dặt hỏi, “có thể xin thêm 1 bát không?”, ông chủ quán phở ở Hà Nội nhiệt tình phục vụ ngay.
Tuy nhiên, năm đó trở về, ngoài niềm tự hào được đặt chân đến vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, được mang món ăn truyền thống quê hương đến với các cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo xa, anh Vượng vẫn có chút tiếc nuối. “Vì không phải điểm đảo nào tôi cũng được phục vụ phở”.
Sau chuyến đi, anh Vượng chỉ ước, nếu được trở lại đảo lần thứ 2, đặt chân đến điểm đảo nào anh sẽ có phở phục vụ ở điểm đảo đó.
Đến năm 2017, anh Vượng đạt được ước nguyện, mang hơn 2.000 bát phở phục vụ cán bộ, chiến sĩ ở các điểm đảo mà anh được đặt chân tới ngoài Trường Sa.
“Năm đó, tôi mang phở đến cả nhà giàn. Chuyến đi nhiều vất vả, nhưng chỉ cần đặt chân đến đảo, niềm tự hào dâng trào khiến tôi quên hết mệt mỏi.
5h sáng, khi tàu vào đảo, các chiến sĩ đã chuẩn bị cho tôi 1 nồi nước sôi. Tôi nhờ anh em, người thái hành, người sơ chế. 5h45 tôi có phở và 6h15 toàn đảo đã ăn xong.
Công việc đòi hỏi phải rất nhanh tay nhưng khi làm với tâm huyết và khí thế nhộn nhịp, tôi không biết mệt mỏi, chỉ thấy hào hứng. Đó là cảm xúc không bao giờ tôi quên được", anh Vượng bồi hồi.
Gần 30 năm làm nghề, phở Nam Định giờ không chỉ là món ăn mưu sinh của gia đình anh Vượng. Món ăn còn là niềm tự hào của những người con đất thành Nam nói chung và những người được truyền nghề phở truyền thống Nam Định nói riêng.
Với họ, việc lưu giữ những bí quyết gia truyền của món phở bò chính là giữ lại truyền thống văn hóa làng nghề, đem niềm vui đến cho mọi người với một món ăn ngon, đậm vị.
Từ những gánh hàng rong, phở Nam Định đã nổi danh toàn cầu. Việc làm nên thương hiệu và giữ được vị thế của phở Nam Định là một hành trình dài, không ít gian nan. VietNamNet giới thiệu tuyến bài về chuyện của phở Nam Định để độc giả hiểu thêm về món ăn đặc sản này. |
Video, ảnh: NVCC
Kỳ tới: Từ chối chủ khách sạn lớn, cụ ông quyết giữ bí kíp phở lưu truyền trăm năm