Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chắc chắn đánh dấu sự trở lại chính trường của mình bằng những chiến thắng thuyết phục.

Sự trở lại với những mối lo ngại?

Bên cạnh một lộ trình dài hơi khi tranh cứ thì bản thân ông Abe trước đó cũng đã hứa hẹn với dư luận rằng khi LDP giành lại quyền lực, đồng nghĩa với việc bản thân ông lên làm Thủ tướng, thì ông sẽ làm hết sức mình để đưa kinh tế nước Nhật ra khỏi trì trệ, đồng thời thi hành các chính sách nhằm khôi phục vị thế của Nhật trên bàn cờ chính trị khu vực, thực hiện các biện pháp cứng rắn để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ cùng hàng loạt lời hứa hẹn khác.

Đây có thể được coi là một tuyên ngôn chính trị rất rõ ràng cho sự trở lại của một nhà lãnh đạo được coi là có tinh thần dân tộc chủ nghĩa rất mạnh. Thậm chí, có một số báo còn dùng từ "diều hâu" để mô tả về ông Abe và các chính sách của ông này muốn thực thi khi chính thức trở lại cầm quyền tại Nhật Bản.

Xuất phát từ đó mà hình ảnh về một đất nước Nhật Bản với một nhà lãnh đạo có tinh thần dân tộc chủ nghĩa rất mạnh đã gây ra nhiều lo ngại cho một số quốc gia trong khu vực và cả trên thế giới. Mối lo ngại này càng tăng cao vì những lựa chọn chính sách cứng rắn của ông Abe. Đặc biệt là việc ông này đang quyết tâm sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp Nhật để có thể mở đường cho những toan tính tiếp theo.

Các quốc gia càng có cơ sở để lo ngại vì đây không phải là lần đầu tiên ông Abe đề cập tới việc này. Từ khi còn làm Thủ tướng Nhật trước đây (năm 2006-2007), chính ông Abe là người đã yêu cầu Quốc hội Nhật sửa đổi Hiến pháp để nâng cấp Cục Phòng vệ lên thành Bộ Quốc phòng, mục đích không gì khác là nhằm quân sự hóa dần dần, làm cơ sở vận động để nước Nhật có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Hoàn cảnh khách quan hay tính toán chủ quan?

Có rất nhiều lập luận có thể được đưa ra để lý giải xung quanh việc lựa chọn và thực thi các chính sách trong thời gian tới của ông Abe. Tuy nhiên, tựu chung lại, hai yếu tố truyền thống vẫn là do hoàn cảnh khách quan và do các tính toán chủ quan.

Về hoàn cảnh khách quan, vào thời điểm hiện tại, Nhật Bản bên cạnh việc đang phải đối mặt với các khó khăn xuất phát từ hậu quả còn tồn tại của khủng hoảng kinh tế, quốc gia này còn đang chịu áp lực rất lớn từ các tranh chấp chủ quyền căng thẳng mà nổi bật lên là Điếu Ngư/Senkaku với Trung Quốc, Dokdo/Takeshima với Hàn Quốc và quần đảo Kuril với Nga.

Hơn nữa, có thể còn do lo ngại trước những tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng cùng với ảnh hưởng trên nhiều mặt, trong đó đặc biệt là về quân sự của Trung Quốc trong khu vực ngày càng lớn, gây ra áp lực đối với chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Từ đó khiến mong muốn thay đổi cách giải thích bản Hiến pháp do Mỹ soạn thảo trong quá khứ ngày càng được ông Abe thúc đẩy hiện thực hóa.

Bên cạnh đó, việc Nhật Bản thay đổi Hiến pháp theo hướng mà ông Abe mong muốn nếu thành công nhiều khả năng sẽ giành được sự ủng hộ rất lớn từ phía Mỹ. Liên tục trong nhiều năm qua, bản thân chính quyền Washington đã có nhiều động thái nhằm thúc giục chính quyền Tokyo phải thể hiện vai trò của mình với tư cách là một nước lớn trong khu vực và đảm đương thêm nhiều trọng trách trong liên minh giữa hai nước. Và rõ ràng là mong muốn của Mỹ chỉ có thể hiện thực hóa khi ý tưởng về việc sửa đổi Hiến pháp của ông Abe cũng được hiện thực hóa.

Việc sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp hiện tại cũng đồng nghĩa với việc xóa bỏ lệnh cấm sử dụng quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản để quốc gia này có thể giúp đỡ các đồng minh như Mỹ trong trường hợp họ bị tấn công. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Hiến pháp thành công còn mở cho Nhật Bản một con đường khá thênh thang để tham gia vào các chiến dịch toàn cầu chung với các lực lượng Mỹ.

Trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên nhiều lần phóng thử tên lửa trong thời gian vừa qua thì điều này còn có thể cho phép Nhật sử dụng khí tài của mình nhằm bắn hạ các tên lửa của Triều Tiên nếu thấy lo ngại mà vẫn có sự răn đe phù hợp.

Nếu nhìn xa hơn về tranh chấp tại Biển Đông thì một số ý kiến xuất phát từ chính quyền Philippines cho rằng việc một nước Nhật được cho phép mở rộng khả năng và quyền hạn sẽ tạo nên một đối trọng quân sự-quân sự đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, vốn đang khiến các quốc gia nhỏ hơn tại châu Á lo ngại trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông ngày càng căng thẳng.

Còn nói về các tính toán chủ quan thì có thể thấy rằng việc thể hiện thái độ cứng rắn qua các chính sách cũng như kế hoạch được đưa ra cũng có thể được xem như là một chiêu bài để giành được sự tin tưởng của cử tri về một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Thái độ cứng rắn với Trung Quốc cũng có thể sẽ giúp ông Abe giành được nhiều ánh nhìn thiện cảm và ủng hộ từ phía các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Biển Đông.

Một tương lai không êm ả...

Hiện tại, bối cảnh chính trị tại Nhật Bản vẫn chưa có gì đảm bảo là sẽ không còn bất ổn. Vì thế, vẫn còn một câu hỏi đặt ra là liệu ông Abe có thể tại vị đủ lâu để hiện thực hóa các kế hoạch của mình hay không, đặc biệt là mục tiêu sửa đổi Hiến pháp.

Có một con số thống kê đơn giản nhưng đáng phải lưu ý về tình hình chính trị tại Nhật Bản là từ năm 2006 tới nay, trước những biến động khó lường về cả chủ quan lẫn khách quan, Nhật Bản đã phải thay 6 đời Thủ tướng. Trong đó thì đa phần các vụ từ chức này diễn ra đều do sự sụt giảm uy tín nhanh chóng của chính các nhân vật sau khi lên nắm quyền. Và rất có thể là chúng ta sẽ không loại trừ khả năng ông Abe sẽ phải chịu một hoàn cảnh tương tự do những sự phiêu lưu trong việc lựa chọn chính sách của mình.

Trên thực tế, nếu muốn sửa đổi Hiến pháp, trước hết Nhật Bản phải thông qua Luật trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp, cần được sự ủng hộ của đa số dân chúng và 2/3 số nghị sĩ của hai viện trong quốc hội. Ông Shinzo Abe có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ trong nước, tuy nhiên, ông cũng có thể sẽ vấp phải những sự phản đối kịch liệt đến từ phía Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cũng chính từ điều này đã làm cho dư luận tại Nhật cũng như trên toàn thế giới nghĩ về một tương lai không mấy êm ả cho đất nước Nhật Bản cùng khu vực Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung một khi Đảng LDP giành chính quyền và ông Shinzo Abe lên làm Thủ tướng Nhật.

Nghĩa Huỳnh