Xã An Khang nằm ở phía Đông Nam của thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) với tổng diện tích đất tự nhiên là 1.335 ha. Toàn xã có 9 thôn, ngành nghề chính là sản xuất nông – lâm nghiệp.

Năm 2014, sau rất nhiều cố gắng và nỗ lực, xã An Khang sớm về đích nông thôn mới với 19/19 tiêu chí. Nhờ đó, hạ tầng giao thông khang trang, 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. 100% các thôn có nhà văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Người dân trong xã còn chủ động đóng góp kinh phí để xây dựng hệ thống chiếu sáng đường quê, xây dựng tuyến đường mẫu xanh - sạch - sáng.

Xã An Khang quyết tâm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. 

Sau khi được công nhận xã nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Khang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Xác định xây dựng nông thôn mới là một quá trình “Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, năm 2023 xã An Khang triển khai nhiều hoạt động xây dựng nông thôn nâng cao.

Để đạt mục tiêu này, xã đã tiến hành rà soát từng tiêu chí, lập kế hoạch thực hiện theo từng nhóm tiêu chí như: phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển kinh tế để tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Đảng ủy, chính quyền xã An Khang luôn thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Việc xây dựng, thực hiện quy hoạch, huy động nhân dân đóng góp, các khoản chi xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi đều thông qua các cuộc họp của xã, thôn, nhân dân được trực tiếp nghe, đóng góp ý kiến, thống nhất phương án thực hiện. Tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch từ xã đến thôn, xóm trong xây dựng nông thôn mới đã tạo đồng thuận cao, khơi dậy ý thức, trách nhiệm, sức mạnh của người dân.

Bên cạnh các chính sách kích cầu của thành phố, xã đã ban hành chính sách hỗ trợ cho các thôn nhằm tạo động lực và khuyến khích người dân cùng chung sức tham gia. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, sự đóng góp của các hợp tác xã, doanh nghiệp đóng trên địa bàn...

Đầu năm 2023, hệ thống giao thông nông thôn của xã An Khang được nâng cấp đồng bộ đảm bảo kết nối hài hòa từ đường trục xã, đường liên thôn, xóm, đến đường trục chính nội đồng, tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông thuận lợi, nhất là xe chở hàng hóa. Hệ thống nhà văn hóa xóm, hạ tầng thương mại đều đạt chuẩn. 

Thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt trên 48,67 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,2%, hộ nghèo và cận nghèo giảm xuống còn 2,06%.

Để hoàn thành Tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã cũng đã hình thành nhiều mô hình vườn kiểu mẫu. Điển hình như vườn nho không hạt của gia đình ông Đinh Ngọc Quân ở thôn Phúc Lộc B, dù diện tích không lớn, chỉ khoảng 1 ha nhưng doanh doanh thu mang lại cũng đạt gần 200 triệu đồng/năm.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, cán bộ và nhân dân đồng thuận cao, tích cực cùng vào cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao. 

Về tiêu chí môi trường, xã đã thành lập các nhóm tự quản về bảo vệ môi trường tại tất cả 9/9 thôn. Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng phối hợp chỉ đạo các chi hội xóm thường xuyên có các hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhựa, trồng chăm sóc trên 1.500 m đường hoa và cây bóng mát.

Đích đến cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả xây dựng nông thôn mới. Hiện xã đã đạt 15/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. 

Những tháng cuối năm, xã An Khang tiếp tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp theo hàng hóa, hình thành liên kết sản xuất trong nông nghiệp; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với cán bộ các xóm vận động người dân tích cực tham gia công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính; xây dựng mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân. Qua đó, tăng tốc thực hiện kế hoạch nông thôn mới nâng cao đã đề ra. 

Hồng Khanh và nhóm PV, BTV