Dân tộc
Rơ-măm
Nhóm ngôn ngữ
Môn Khơme
Lượt yêu thích
1651 Yêu thích
Dân số: 639 người
(số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019)
Dân tộc Rơ-măm cư trú ở làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tiếng Rơ-măm thuộc nhóm ngôn ngữ Môn -Khmer. Những người già làng cho biết họ là cư dân đã sinh sống ở khu vực này từ xa xưa. Ðầu thế kỷ XX dân số của tộc này còn khá đông, phân bố trong 12 làng, ở lẫn với người Gia Lai.
Đứng đầu đê (làng) là một già làng trưởng bản do dân tín nhiệm. Làng Le của người Rơ-măm nay chỉ còn khoảng 10 ngôi nhà ở, có cả nhà rông. Mỗi nhà có từ 10 đến 20 người gốm các thế hệ có quan hệ thân thuộc với nhau. Các cặp vợ chồng dù sống chung dưới một mái nha, nhưng đã độc lập với nhau về kinh tế.
Người Rơ-măm sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, lúa nếp là lương thực chủ yếu. Khi gieo trồng, đàn ông dùng hai gậy nhọn chọc lỗ, đàn bà theo sau bỏ hạt và lấp đất, săn bắt và hái lượm vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế.
Tập quán ăn bốc còn tồn tại khá phổ biến vào thời điểm hiện nay. Người dân thích cơm nếp đốt trong ống tre, nứa ăn với canh và muối ớt. Họ lấy nước từ các mạch ngầm, đựng trong những chiếc vỏ bầu khô để uống, không cần đun sôi.
Người Rơ-măm có tục "cà răng, căng tai". Đến tuổi trưởng thanh, trai gái đều cưa cụt 4 hay 6 răng cửa hàm trên. Hiện nay lớp trẻ bỏ phong tục này. Phụ nữ thícch đeo khuyên, hoa tai, vòng tay va đeo những chuỗi cườm ở cổ.
Khi có người chết, việc mai táng được tiến hành sau 1-2 ngày. Nghĩa địa nằm về phía tây của làng, các ngôi mộ được sắp xếp có trật tự, khi chôn, tránh để người dưới mộ "nhìn" về phía làng. Người Rơ-măm không bao giờ làm nghĩa địa phía đông vì sợ cái chết sẽ "đi" qua làng như hướng đi của mặt trời.
Các nghi thức cúng lễ trong quá trình sản xuất, từ khi phát, đốt rẫy cho đến khi đưa lúa về nhà kho là những sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân làng hết sức quý báu được lưu giữ được đến ngay nay.