Dân tộc
Cơ-tu
Nhóm ngôn ngữ
Môn Khơme
Lượt yêu thích
1625 Yêu thích
Dân số: 74.173 người
(số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019)
Dân tộc Cơ-tu cư trú tại các huyện Hiên, Giằng, (Quảng Nam), A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên-Huế). Tên gọi này được đồng bào thừa nhận với nghĩa là người sống ở đầu ngọn nước.
Như bao cộng đồng sinh sống ở rừng núi Trường Sơn, người Cơ-tu trồng cây lương thực theo lối phát rừng làm rẫy, chọc lỗ tra hạt. Các hoạt động kinh tế khác gồm có chăn nuôi, dệt, đan lát, hái lượm, đánh cá, săn bắn và trao đổi hàng hoá theo cách vật đổi vật.
Đàn ông Cơ tu cởi trần, đóng khố. Đàn bà cũng thường cởi trần, chỉ buộc một mảnh vải như cái yếm che ngực, mặc váy ngắn đến gối. Mùa lạnh họ khoác thêm tấm vải. Đồ trang sức phổ biến là vòng tay, vòng cổ, khuyên tai. Các phong tục xăm mặt, xăm mình, cưa răng, búi tóc sau gáy đã được loại bỏ.
Người Cơ tu sống trong các bản làng, đứng đầu là chủ làng do hội đồng già làng bầu ra. Trong làng, các nếp nhà sàn tạo dựng theo hình vành khuyên hoặc gần giống thế. Nhà rông cao, đẹp nhất là nơi tiếp khách chung, hội họp, cúng tế, tụ tập chuyện trò vui chơi.
Mỗi dòng họ đều có tên gọi riêng, người trong họ phải kiêng cữ một điều nhất định. Có chuyện kể về lai lịch của dòng họ và sự kiêng cữ đó. Lúc sống, dòng họ có trách nhiệm cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau, khi chết được chôn cất bên nhau trong bãi mộ chung của làng. Nhà mồ của người khá giả làm to và đẹp, được vẽ và chạm khắc tượng cầu kỳ.
Theo tập tục Cơ-tu, khi người họ này lấy vợ họ kia, thì người họ kia không được lấy vợ họ này, mà phải tìm ở họ khác. Tập tục người Cơ-tu cho phép khi chồng chết, vợ có thể lấy anh em chồng, khi vợ chết, chồng có thể lấy em hay chị vợ. Chế độ một vợ một chồng phổ biến, nhưng cũng có một số người khá giả lấy hai vợ.