Dân tộc

Bru - Vân Kiều

Nhóm ngôn ngữ

Môn Khơme

Lượt yêu thích

error 1649 Yêu thích

error
Thông tin chi tiết
Ảnh 360
Video
Hiện vật 3D

Dân số: 94.589 người

(số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019)

 

Bru-Vân Kiều là một trong 3 dân tộc bản địa cư trú ở miền núi Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

 

Xã hội truyền thống được thiết lập khá vững chắc gọi là vil (làng). Mỗi vil có thể gồm nhiều Mu (có nơi gọi là mui hoặc dạ) hoặc một Mu cư trú (Mu có thể coi như họ, là nhóm hay một đơn vị ngoại hôn).

 

Người Bru-Vân Kiều mỗi năm làm 2 vụ lúa nước. Ngoài ra, họ còn chăn nuôi trâu bò lấy sữa và trồng một số cây công nghiệp, cây ăn quả ngắn ngày. Gắn liền với nền kinh tế nương rẫy, người Bru-Vân Kiều thờ thần lúa (dàng sro) gắn liền với những lễ cúng vào những dịp phát rẫy, trỉa hạt, tuốt lúa, hoặc sau khi thu hoạch.

 

 

 

Phần đông người Bru - Vân Kiều cư trú trong các làng tương đối biệt lập trên đồi hoặc lưng chừng núi, dọc theo các con nước (trừ những khu vực được định cư lâu đời). Các nhà trong làng thường xếp theo chiều dài của các đoạn sông, suối, có nơi còn bố trí theo hình bồ dục hoặc hình tròn. Nhà trong làng phải bố trí theo một trật tự nhất định, sao cho các cây đòn nóc giữa các nhà gần nhau không được có hướng đâm vào nhau. Nhà của người Bru là nhà sàn hai mái, lợp bằng lá mây hoặc lá cọ, nhưng cũng có nơi (thường là nhóm Vân Kiều) nhà làm mái tròn. Kích thước ngôi nhà lớn hay nhỏ phụ thuộc vào gia đình giàu hay nghèo. Tuy nhiên, mọi ngôi nhà đều có 2 cửa chính, một chủ yếu dành cho nữ, một cho nam và khách nam. Cách bố trí trong nhà tuân theo một nguyên tắc nhất định.

 

Người Bru theo chế độ gia đình nhỏ phụ quyền do người đàn ông già nhất làm chủ, khi ông ta chết, quyền hành và tài sản được trao cho con trai trưởng, còn con gái không được chia tài sản, nếu có cũng chỉ rất ít so với con trai.

 

Hôn nhân của người Bru-Vân Kiều với nhiều nghi lễ phức tạp, thể hiện tính chất mua bán và còn nhiều tàn tích của hôn nhân cướp đoạt.

 

Người Bru-Vân Kiều còn thờ cúng tổ tiên. Mỗi gia đình còn có một nhà thờ nhỏ (đông sok ku mui) được đặt ở nơi cao ráo, hẻo lánh, ít người và thú rừng qua lại. Nếu trong nhà có người chết, buồng ngủ của người đó được phá ra, thi thể được đặt trong quan tài làm bằng vỏ cây hoặc đan bằng giang, nứa, khúc gỗ bổ đôi khoét giữa, không cải táng, nhưng có thủ tục rước ma sang trả nhà trưởng họ.