Dân tộc
Gia Rai
Nhóm ngôn ngữ
Nam Đảo
Lượt yêu thích
1662 Yêu thích
Dân số: 513.930 người
(số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019)
Dân tộc Gia-rai cư trú tập trung ở Gia Lai, một phần ở Kon Tum và phía bắc Đắc Lắc.
Làng (Plơi hoặc Bôn) vừa là đơn vị cư trú vừa cấu kết thành tổ chức xã hội, có một hội đồng gồm những ông già chủ trì chung (Phun pơ bút). Mỗi làng ở vùng phía bắc có nhà rông cao vút. Hội đồng chọn người đứng đầu làng. Xã hội Gia Rai truyền thống có hình thức cố kết vùng gọi là Tơ ring. Người đứng đầu Tơ ring là Khoa Tơ ring, giúp việc xét xử có Po phắt kđi và Thao kđi. Tơ ring là cộng đồng lãnh thổ, khi có chiến tranh trở thành liên minh quân sự.
Đã từng hình thành nhà nước sơ khai của người Gia Rai. Người Gia Rai có thủ lĩnh tinh thần là Vua Lửa (P’tao Apui) và Vua Nước (P’tao Ia), thư tịch triều đình Huế gọi là Hỏa Xá, Thủy Xá. Sách “Phủ biên tạp lục” cho biết vua Lê Thánh Tông từng nhắc đến xứ sở của Vua Lửa, Vua Nước là nước Nam Bàn. Nhiệm vụ của các vị P’tao là cúng tế cầu mùa. Vua Lửa cuối cùng (Siu Luynh) qua đời năm 1999.
Người Gia Rai theo chế độ mẫu hệ. phụ nữ tự do lựa chọn người yêu và chủ động việc hôn nhân. Sau lễ cưới, chàng trai về ở nhà vợ, không được thừa kế tài sản của cha mẹ đẻ. Trái lại, con gái lấy chồng lần lượt tách khỏi cha mẹ ra ở riêng, được phân chia một phần tài sản. Con cái đều theo họ mẹ. Ngoài xã hội, đàn ông đóng vai trò quan trọng hơn, nhưng trong nhà phụ nữ có ưu thế hơn.
Mỗi họ tộc thường được phân chia nhiều ngành hoặc phân đôi, thành họ khác. Mỗi họ, mỗi ngành kiêng một vật tổ riêng. Luật tục nghiêm cấm những người cùng ngành họ và dòng mẹ lấy nhau. Khi chồng chết, vợ lấy em chồng và ngược lại vợ chết, chồng có thể lấy chị vợ.
Nói đến dân tộc Gia-rai phải kể đến những trường ca, truyện cổ nổi tiếng như "Đăm Di đi sắn", "Xinh Nhã"... Dân tộc Gia-rai cũng độc đáo trong nghệ thuật chơi chiêng, cồng, trống, cạnh đó là đàn T'rưng, đàn Tưng-nưng, đàn Klong-pút. Những nhạc cụ truyền thống này gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào. Người Gia-rai hầu như hát múa từ tuổi nhi đồng cho đến khi già yếu, không còn đủ sức nữa, mới chịu đứng ngoài những cuộc nhảy múa nhân dịp lễ hội tổ chức trong làng hay trong gia đình.