Dân tộc
Si La
Nhóm ngôn ngữ
Tạng Miến
Lượt yêu thích
1643 Yêu thích
Dân số: 909 người
(số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019)
Dân tộc Si La là một trong mười sáu dân tộc rất ít người tại Việt Nam. Họ sống ở 3 bản Seo Hay, Sì Thâu Chải, Nậm Xìn thuộc huyện Mường Tè, Tỉnh Lai Châu.
Người Si La có nhiều dòng họ. Các dòng họ đều kiêng ăn thịt mèo. Quan hệ trong họ khăng khít, chặt chẽ. Trưởng họ là người đàn ông cao tuổi nhất, có vai trò quan trọng đối với các thành viên và có trách nhiệm tổ chức sinh hoạt chung của họ mình, đặc biệt là việc thờ cúng. Trong xã hội, ngoài trưởng họ, người Si La rất coi trọng các thầy mo. Người Si La coi trọng thờ cúng tố tiên, nhà nào cũng có bàn thờ nhưng chỉ thờ bố mẹ đã khuất.
Trước kia đồng bào thích nhuộm răng. Đàn ông nhuộm răng đỏ (bằng cánh kiến đỏ), phụ nữ nhuộm răng đen. Ngày nay phần lớn người Si La đều để răng trắng như các dân tộc khác. Phụ nữ ăn vận khá độc đáo, đặc biệt là mảng ngực áo bằng một miếng vải khác với màu áo gắn đầy xu bạc, xu nhôm. Khăn đội đầu của phụ nữ cũng khác nhau theo lứa tuổi. Các cô thường đeo chiếc túi bằng dây rừng, được trang trí những tơ đỏ sặc sỡ.
Theo phong tục Si La, bãi mộ nằm trước khu cư trú của dân bản, trong đó mộ người cùng họ được quây quần bên nhau. Người Si La dựng nhà mồ xong mới đào huyệt bên trong. Quan tài gỗ độc mộc. Đặc biệt, khi có người chết, đồng bào còn tổ chức vui chơi, ca hát, không có tiếng khóc. Tuy không tảo mộ, cải tảng nhưng người Si La có tục con cái để tang cha mẹ ba năm.
Kho tàng văn học của người Si La khá phong phú: sử ca, dân ca, cổ tích, thần thoại,... được người già hát trong dịp lễ tết, trai gái hát với nhau trong lao động sản xuất, trong hội hè hay đêm khuya thanh vắng. Nội dung bào hát ca ngợi tình yêu thiên nhiên, lòng chung thủy. Đến nay các bài hát này vẫn còn.