Dân tộc
Cống
Nhóm ngôn ngữ
Tạng Miến
Lượt yêu thích
1917 Yêu thích
Dân số: 2.729 người
(số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019)
Người Cống cư trú ven sông Đà, gồm hai nhóm địa phương là Cống vàng và Cống đen. Nhóm Cống vàng (Xắm khống Sứ Lư) sinh sống chủ yếu ở xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) và xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé). Nhóm Cống đen (Xắm khống Nà Là) sinh sống ở các xã Tắc Ngá, Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn) và Kan Hồ (huyện Mường Tè).
Người Cống sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, canh tác theo lối phát rừng, đốt, chọc lỗ tra hạt giống. Gần đây, đồng bào đã sử dụng cuốc và trâu bò khi làm nông nghiệp. Nhiều thức ăn của đồng bào là tìm kiếm ở trong rừng, kiếm cá dưới suối chủ yếu bắt bằng tay hoặc bả thuốc độc lá cây.
Phụ nữ Cống không biết dệt, họ trồng bông rồi đem đổi lấy vải. Tuy nhiên cộng đồng người Cống đan lát giỏi, có nghề đan chiếu mây nhuộm đỏ.
Người Cống ở nhà sàn, nhà nào cũng ngăn ra thành 3-4 gian, gian giữa là nơi tiếp khách, chỉ có một cửa ra vào ở đầu hồi và một cửa sổ ở gian giữa. Mỗi họ của người Cống có một trưởng họ, có chung một kiêng cữ, có chung quy định về chỗ đặt bàn thờ tổ tiên và cách cúng bái. Trong từng gia đình, người chồng, người cha giữ vai trò đứng đầu, khi người cha chết thì con trai cả thay thế.
Theo phong tục Cống, người cùng họ phải cách nhau 7 đời mới được lấy nhau. Việc cưới xin do nhà trai chủ động. Sau lễ dạm hỏi, chàng trai bắt đầu ở rể vài năm, còn cô gái bắt đầu búi tóc ngược lên đỉnh đầu, đó là dấu hiệu đã có chồng. Thường sinh vài đứa con họ mới làm lễ cưới. Khi đó, nhà trai phải có bạc trắng nộp cho nhà gái, còn nhà gái phải cho của hồi môn để cô dâu đem về nhà chồng.