Dân tộc
Thái
Nhóm ngôn ngữ
Tày Thái
Lượt yêu thích
1950 Yêu thích
Dân số: 1.820.950 người
(số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019)
Dân tộc Thái sinh sống tập trung tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Nghệ An. Người Thái thường ở nhà sàn, mỗi bản thường có khoảng 40-50 nóc nhà kề bên nhau. Người Thái Đen thường tạo dáng mái nhà hình mai rùa, trang trí hai bên đầu đốc nhà bằng những khau cút được làm theo phong tục từ xưa truyền lại.
Người Thái có nhiều kinh nghiệm đắp phai, đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng. Lúa nước là nguồn lương thực chính, đặc biệt là lúa nếp. Người Thái cũng làm mương để trồng lúa, hoa mầu và nhiều thứ cây khác. Từng gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, đan lát, dệt vải, một số nơi làm đồ gốm... Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm, với những văn hoa độc đáo, màu sắc tươi hài hoà, bền đẹp.
Đồng bào quan niệm "chết" là tiếp tục sống ở thế giới bên kia. Vì vậy đám ma là lễ tiễn người chết về "mường trời".
Người Thái có nhiều họ, mỗi họ thường có những quy định kiêng kỵ khác nhau. Họ Lò không ăn thịt chim Táng Lò. Họ Quàng kiêng con hổ... Đồng bào Thái thờ cúng tổ tiên, cúng trời đất, cúng bản mường. Gắn liền với sản xuất là những lễ nghi cầu mùa. Mở đầu hàng năm bằng lễ đón tiếng sấm năm mới.
Thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện thơ, ca dao... là những vốn quý báu của văn học cổ truyền người Thái. Những tác phẩm thơ ca nổi tiếng của người Thái là: "Xống trụ xon xao", "Khun Lú, Nàng ửa". Người Thái sớm có chữ viết nên nhiều vốn cổ (văn học, luật lệ, dân ca) được ghi chép lại trên giấy bản và lá cây. Đồng bào rất thích ca hát, đặc biệt là khắp - lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Nhiều điệu múa như múa xoè, múa sạp đã được trình diễn trên sân khấu trong và ngoài nước, hấp dẫn đông đảo khán giả. Hạn khuống, ném còn là hai đặc trưng văn hoá của người Thái.