ChatGPT đang giúp ích cho nhiều người trong công việc của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào chatbot của OpenAI cũng đưa ra câu trả lời chính xác hay hữu ích. Nó phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng “nhắc” (prompt) của người dùng. Cùng tìm hiểu một số lý do có thể khiến ChatGPT trả lời sai để khắc phục.
Lời nhắc quá ngắn
Do ChatGPT chỉ là một chatbot, bạn có thể nghĩ rằng lời nhắc cũng nên ngắn gọn. Dù vậy, nó sẽ không cung cấp đủ thông tin cho ChatGPT để đưa ra câu trả lời mà bạn muốn. Bạn nên đi vào chi tiết và giải thích bạn muốn gì, bạn không muốn gì cho AI biết và soạn phản hồi.
Lời nhắc không cụ thể
Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT sở hữu lượng kiến thức và dữ liệu khổng lồ, vì thế rất khó cung cấp “đầu ra” chính xác với những gì người dùng mong muốn nếu câu hỏi quá rộng.
Chẳng hạn, những lời nhắc bị xem là quá rộng như: kể tôi nghe về lịch sử; nói cho tôi về khoa học; nói cho tôi về công nghệ; kể chuyện cho tôi; bí quyết thành công; nói đôi chút về tương lai; làm thế nào để hạnh phúc. Thay vào đó, nên sử dụng các lời nhắc như: kể tôi nghe về nguyên nhân và kết quả của Thế chiến II; lợi ích và nhược điểm của năng lượng tái tạo; chiến lược quản trị thời gian thực tiễn để cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc; tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực khám phá không gian…
Khi hỏi các câu cụ thể, bạn sẽ nhận được phản hồi tốt hơn. Càng cụ thể, phản hồi càng tốt.
Lời nhắc mơ hồ
Ngôn ngữ của con người rất phức tạp và đôi khi mơ hồ. Mơ hồ ở đây được hiểu là diễn giải theo cách nào cũng có nghĩa. Có thể bạn gặp vấn đề logic khi đặt câu hỏi, cũng có thể do bạn đặt một câu hỏi có quá nhiều câu trả lời nên ChatGPT không biết bạn đang tìm kiếm lời đáp nào.
Chẳng hạn, nếu hỏi “cách nấu thịt gà tốt nhất”, ChatGPT có nhiều cách để đạt được mục tiêu “tốt nhất”. Song, nếu hỏi “cách nấu thịt gà tốt nhất cho sức khỏe”, phạm vi câu hỏi đã được thu hẹp. “Cách nấu thịt gà tốt nhất cho bệnh nhân tiểu đường” là một lời nhắc tốt hơn nữa.
Thiếu bối cảnh
ChatGPT vô cùng nhạy cảm với bối cảnh. Vì vậy, để đạt kết quả tốt nhất, bạn nên bổ sung bối cảnh vào các lời nhắc của mình. Bạn sẽ thấy rõ điều này nếu yêu cầu ChatGPT soạn thảo một bài viết. Bài viết cho blog sẽ rất khác so với bài viết cho sách hay bài báo học thuật. Nếu yêu cầu ChatGPT chuyển đổi văn bản thành kịch bản cho video YouTube, đầu ra cũng khác so với kịch bản cho chương trình truyền hình.
Vì vậy, bạn nên mô tả những gì mình muốn với từ khóa cụ thể để ChatGPT hiểu bạn muốn thu về những gì.
Bị hạn chế thông tin
Điểm yếu của ChatGPT là dữ liệu đào tạo chatbot chỉ từ tháng 9/2021 trở về trước. Do đó, có nhiều kiến thức chatbot này chưa được nạp. Ngoài ra, ChatGPT có thể “bịa” ra thông tin, cung cấp câu trả lời phi logic, không chính xác và không đáng tin cậy nên cần hậu kiểm.
Trao đổi một chiều
Một trong các tính năng mạnh mẽ của ChatGPT là ghi nhớ toàn bộ lịch sử chat và dùng nó làm bối cảnh để diễn giải các lời nhắc tiếp theo. Vì vậy, thay vì chỉ bấm vào nút “tạo phản hồi” để nhận các câu trả lời cho lời nhắc của mình, bạn có thể đưa ra lời nhắc mới, dựa trên những gì đã có trong chuỗi trò chuyện.
Dành thời gian để trao đổi hai chiều với ChatGPT như đang làm với con người, bạn sẽ nhanh chóng tinh chỉnh đầu ra phù hợp với nhu cầu của mình.
(Theo Howtogeek)