Những tưởng dời thêm 79 tuyến xe khách về hoạt động, bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) sẽ nhộn nhịp, xứng tầm là bến xe hiện đại, lớn nhất nước.
Thực tế, sau hơn hai tuần hoạt động ‘hết công suất’ nhưng lượng khách đổ về bến xe này vẫn thưa vắng. Đại diện bến xe Miền Đông mới cho biết, theo kế hoạch, hơn 1.600 xe tại bến này phải có hơn 500 chuyến xe rời bến mỗi ngày.
Thế nhưng, từ ngày 11/10, mỗi ngày bến này giảm gần 300 chuyến so với thời gian các tuyến này còn chạy ở bến xe cũ. Đa phần xe giảm chuyến trên chặng ngắn từ TP.HCM đi một số tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Lâm Đồng...
300 chuyến bỏ bến hoạt động ở đâu ?
Ghi nhận của PV VietNamNet, trái ngươc với hình ảnh hoạt động vận tải hành khách tại bến xe Miền Đông mới vẫn thưa thớt, các bãi xe ở bên ngoài và các trạm xăng dọc quốc lộ 13 lại đông đúc khách đến chờ xe liên tỉnh.
Như đoạn quốc lộ 13 qua địa bàn phường Hiệp Bình Phước có biển báo cấm đỗ xe nhưng rất nhiều xe liên tục dừng đón chèo kéo, ngã giá với hành khách. Quan sát, các tuyến này đều chạy tuyến quốc lộ 1 đi các tỉnh phía Bắc, miền Trung... Tại trạm xăng gần bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), có xe khách dừng gần 20 phút để chất hàng và lên khách.
Đáng chú ý, khu vực cửa ngõ bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) là tuyến đường Kha Vạn Cân, đoạn nối từ đường Phạm Văn Đồng về tới cầu sắt Bình Lợi lại rôm rã hoạt động vận tải.
Trên đoạn này tồn tại một điểm xe lậu nơi có hàng chục xe khách chạy tuyến đường dài đang neo đậu chờ khách như có nhà xe Thuận Thảo có lộ trình Bến xe Nam Tuy Hòa (Phú Yên)- Bến xe Miền Đông; Nhà xe Phượng Hoàng có lộ trình Bến xe Miền Đông- B.X Nước Ngầm (Hà Nội)...
Đường Kha Vạn Cân biến thành 'bãi xe khách lậu'
Ngang nhiên hơn, một doanh nghiệp vận tải chạy tuyến TP.HCM đi Bà Rịa- Vũng Tàu còn lập luôn 'bến lậu' để hoạt động vận tải hành khách, giao nhận hàng hóa.
Dưới biển báo nghiêm cấm các phương tiện giao thông đỗ xe nhưng có khoảng 4 xe khách của nhà xe Hai Trâm đậu hàng dài gây cản trở giao thông.
Thời gian qua, khu vực trung tâm TP như quận 1, 10, 5..., ngã tư Hàng Xanh- Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), khu vực phía Tây có các bến xe lậu ở Tân Phú, mũi tàu Cộng Hòa, khu vực xe An Sương cũng rầm rộ xe khách hoạt động bắt khách bát nháo.
Theo Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco) - chủ đầu tư bến xe Miền Đông mới, ngay khi có thông tin về việc di dời 79 tuyến xe khách đến bến xe Miền Đông mới (giai đoạn 2), một số đơn vị đã chuyển sang các bến xe khác trong TP. Có đơn vị điều chỉnh hoạt động từ vận tải hành khách tuyến cố định sang vận chuyển khách theo hợp đồng để có thể vào khu vực trung tâm TP chở khách.
Samco cho rằng, các xe chạy vào trung tâm TP đón trả khách, nhận trả hàng hóa, phát sinh "xe dù, bến cóc", gây khó khăn cho các đơn vị vận tải hoạt động tại bến xe Miền Đông mới.
Do đó, kiến nghị Sở GTVT TP chưa xem xét việc đăng ký khai thác tuyến đối với các tuyến đề nghị mở mới (có trong danh sách các tuyến đường di dời từ bến xe Miền Đông hiện hữu sang bến xe Miền Đông mới) chưa nằm trong danh mục mạng lưới tuyến đã được Bộ Giao thông vận tải công bố.
Tổng công ty này cũng kiến nghị sớm ban hành quy định cấm xe giường nằm và xe có sức chứa, kích thước tương đương vào khu vực trung tâm. Cơ quan chức năng cần xử lý triệt để tình trạng "xe dù, bến cóc" trong nội thành và xe hoạt động không đúng hành trình đăng ký.
Hiện Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã giao Sở GTVT TP.HCM phối hợp với CA TP xem xét, giải quyết kiến nghị theo thẩm quyền, đúng quy định. Nếu vượt thẩm quyền thì tham mưu, đề xuất trình TP giải quyết kịp thời.