Ngày 20/6, bác sĩ Đỗ Đình Lượng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết mới đây cơ sở này tiếp nhận 3 trường hợp nghi ngờ ngộ độc hoa chuông.
Theo lời kể của bệnh nhân, họ là những người tới du lịch Tam Đảo. Trên đường đi chơi, họ hái hoa chuông về nấu ăn. Sau khi ăn khoảng 5-7 phút, cả ba người đều xuất hiện tình trạng tê môi, lưỡi, chân tay. Họ tự bắt xe xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc (cách khoảng 25km) cấp cứu.
Bác sĩ Lượng cho biết khi vào viện, ngoài biểu hiện tê môi, lưỡi, đầu chi gặp ở 3 bệnh nhân, một phụ nữ trong số đó còn có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, kích động.
Sau 10 giờ đồng hồ điều trị hồi sức tích cực, cả ba hiện ổn định.
Bác sĩ Lượng cảnh báo hoa chuông chứa chất độc Scopolamine, có thể gây hội chứng cholinergic, với biểu hiện như tê bì môi, lưỡi, hoang tưởng, ảo giác, thậm chí nếu ăn với số lượng lớn có thể tử vong.
Tất cả các bộ phận trên cây hoa chuông đều chứa độc tố, nên nếu lỡ ăn nhầm sẽ bị trúng độc ngay lập tức. Ở dạng nhẹ, bệnh nhân ngộ độc có biểu hiện nôn trớ, mệt mỏi, choáng váng… Ở thể nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng suy thận, suy tim cấp, bị ảo giác, hoang tưởng.
Do độc tính của cây hoa chuông quá mạnh, để tránh các trường hợp ngộ độc, người dân không nên dùng bất kỳ bộ phận nào của hoa để chế biến thực phẩm. Bác sĩ cũng khuyên tuyệt đối không ăn các loại cây, quả rừng khi không rõ nguồn gốc, đặc biệt không nên trồng các cây thuộc họ cà độc dược (cây hoa chuông).