Trong những ngày qua, câu chuyện hồi sinh sông Tô Lịch với phương pháp xây đập tràn trên sông Hồng, lấy nước thau rửa nguồn ô nhiễm lại khiến nhiều người khấp khởi về viễn cảnh sông Seine xuất hiện giữa lòng Thủ đô. Nhưng, nhìn lại các lần hồi sinh trước đây, đến nay Tô Lịch vẫn là dòng sông chết.
Sông Tô Lịch dài 14km chảy qua 6 quận, huyện của Hà Nội gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai và Thanh Trì.
Dưới sức ép của quá trình đô thị hóa và sự thiếu ý thức của người dân, Tô Lịch đã trở thành sông "chết" dù hàng chục năm qua dù thành phố đã nhiều lần có các phương án cải tạo. Nhìn từ trên cao, nước sông đen ngòm, đặc quánh.
Phía đầu nguồn con sông nằm ở nút giao Hoàng Quốc Việt - Bưởi. Ngày 2/4, mực nước sông được ghi nhận ở mức thấp.
Vật liệu xây dựng, rác sinh hoạt, nước thải từ rất nhiều nơi đổ vào lòng sông. Có những khúc thuộc quận Cầu Giấy, một nửa dòng chảy bị đất cát lấp đầy.
Nhà của chị Nguyễn Hiền gần khúc sông qua quận Cầu Giấy. "Ngày nào tôi đi làm cũng phải qua đây. Mùi hôi thối, nồng nặc rất khó chịu, đặc biệt trong những ngày nắng nóng. Nó như một cái cống khổng lồ chứ không phải dòng sông nữa".
Chị Hiền cũng cho hay, mới đây đọc được thông tin Hà Nội dự kiến xây đập tràn trên sông Hồng để lấy nước tạo dòng chảy tự nhiên, phục hồi sông Tô Lịch, chị vừa mừng vừa e ngại bởi trước đó đã có rất nhiều dự án cải tạo con sông này nhưng bất thành.
Ghi nhận chiều 2/4, một số đoạn sông có công nhân thi công xây dựng cống bao. Đây là gói thầu số 2 trong tổng số 4 gói thầu thuộc dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đang được triển khai nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch. Dự kiến gói thầu này hoàn thành trong năm 2024.
Ngoài việc xây dựng hệ thống thu gom nước thải, mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những điểm nhấn của quy hoạch là việc hồi sinh sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy.
Đoạn ngã ba sông Tô Lịch giao với sông Nhuệ (khúc cuối sông Tô Lịch), nước đen đặc khi cả 2 dòng sông này đều trong tình trạng ô nhiễm nặng.
Nhiều đoạn dọc sông, rác thải nổi lềnh phềnh, mùi hôi thối khó chịu gây mất mỹ quan đô thị.
Trạm điều tiết nước Thanh Liệt (quận Hoàng Mai) thuộc khu vực hạ lưu sông Tô Lịch thường xuyên trong cảnh đóng chặt cống.
Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP thông qua, đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.
Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là TP Hà Nội sẽ xây dựng đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để đảm bảo mực nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên các dòng sông.
Cụ thể, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông.
Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.