Đến dự chương trình có ông Đinh Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao); bà Vũ Thanh Huyền Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giáo); bà Nguyễn Thúy Anh – Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng; ông Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Sở Giáo dục và đào tạo Đà Nẵng; bà Nguyễn Thị Diệu Trang – Tổ trưởng tổ Ngữ văn (Trường THPT Phan Châu Trinh).

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật của thiếu nhi Đà Nẵng trong phần khai mạc cuộc thi. 

Cuộc thi năm nay phong phú, đa dạng về hình thức thể hiện với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của thí sinh.

Sau các tiết mục biểu diễn, giải Nhất đã thuộc về chàng trai Nguyễn Vũ Hảo – kiều bào trở về từ Australia với màn trình diễn đọc thơ và chơi đàn bầu bài “Xa khơi”.

Ông Đinh Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài trao cúp lưu niệm cho thí sinh giành được giải Nhất. 

Với cảm xúc nghẹn nghào, Nguyễn Vũ Hảo cho biết: “Khi nghe MC xướng tên mình ở giải cao nhất, niềm hạnh phúc và vui sướng khó có thể diễn tả hết bằng lời. Đây không chỉ là vinh quanh riêng cho bản thân em mà còn là vinh quang cho cộng đồng kiều bào sinh sống bên Australia”.

Chàng trai này đã dành nhiều tâm huyết cho tiết mục của mình khi đầu tư một cây đàn mới, thuê trang phục biểu diễn bộ đội cụ Hồ, hóa trang cho đúng với bối cảnh ra đời của bản nhạc, thể hiện tình yêu quê đất nước mãnh liệt.

“Em chợt nghĩ ra bài thơ này khi nghe bản nhạc Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Nội dung thể hiện tâm trạng của người lính cách mạng Việt Nam khi viết thư về cho gia đình không hẹn ngày gặp lại vì sự khắc nghiệt của chiến tranh", Vũ Hảo nói. 

Đại biểu Hưng Thịnh ((Bungari) thể hiện bài thơ đầy sâu lắng do mình tự sáng tác. 

Giải Nhì thứ nhất thuộc về Nguyễn Hữu Hưng Thịnh (Bungari) với tác phẩm thơ: “Dặm dài Đất nước”. Bài thơ này được em tự sáng tác trong quá trình trải nghiệm, khám phá cảnh sắc quê hương cùng các đại biểu “Trại hè Việt nam 2023”. 

Giải Nhì thứ 2 thuộc về Xayvisith Thipphakesone (kiều bào Lào). Trước khi vào bài giới thiệu, Xayvisith Thipphakesone khiến mọi người thích thú khi biểu diễn một bài múa truyền thống Lào. Phần trình bày của Thắng được đánh giá cao, mang tính lan tỏa, thể hiện đại đoàn kết dân tộc. 

“Em viết bài giới thiệu lúc trên đường sang Việt Nam dự Trại hè Việt Nam năm 2023, khi tập luyện em được các cô trong đoàn hỗ trợ chỉnh sửa đoạn văn sao cho mềm mại, sử dụng từ phù hợp…", Xayvisith Thipphakesone tâm sự. 

Tiết mục đặc sắc kết hợp cả múa và thuyết trình của đại biểu Xayvisith Thipphakesone (Lào).

Giải ba được trao cho ba đại biểu: Lưu Nguyên Anh (Mỹ); Lê Thanh Trang (Nga); Tường Vi (Slovakia).

Gặp Nguyên Anh sau khi trao giải, em cho biết mình thuyết trình về vấn đề Thế hệ trẻ kiều bào gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. “Em nghĩ rằng thế hệ trẻ kiều bào cần phải có tình yêu với đất nước và tự hào là người Việt Nam. Đặc biệt là yêu tiếng Việt, tăng cường khả năng nói tiếng Việt. Đó là cách để giữ gìn bản sắc Việt”.

Bài thuyết trình của Nguyên Anh không chỉ thể hiện nguyện vọng của riêng em mà còn là tiếng nói của nhiều kiều bào trẻ đang sinh sống tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, thể hiện sự quan tâm đến thời cuộc của đất nước, mong muốn đóng góp nhiều hơn và thể hiện tinh thần: Người Việt Nam dù ở đâu, có thể hòa nhập, tiếp thu kiến thức mới nhưng không bị hòa tan, mai một bản sắc trước sự đan xen của nhiều nền văn hóa. 

Đại biểu Nguyên Anh (Mỹ) chia sẻ những suy nghĩ về việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt trong thế hệ kiều bào trẻ. 

Lê Nguyễn Thanh Trang (Nga) kể: “Em thích xem các chương trình của Việt Nam. Hiện tại có chương trình Rap Việt, em thấy nhiều người nghĩ Rap chỉ dành cho giới trẻ nghe, không thể hiện được nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, một lần xem chương trình Rap Việt mùa 3 em đã được nghe bài “Về quê”. Bài hát này mang đến cho em cảm xúc đặc biệt về Việt Nam. Vì vậy, em đã chọn bài hát này để thi.

Cái khó trong quá trình tập luyện bài hát là phải đọc nhanh, do vốn tiếng Việt em được như các bạn ở Việt Nam nên em phải cố gắng tập phát âm, luyện đọc, học thuộc những từ mình chưa biết cho đúng. Sau đó tập trên nền nhạc sao cho rõ chữ. 

Quá trình tập luyện, em được các bạn trong đoàn ủng hộ, hỗ trợ về luyện tập, tinh thần. Em cũng nhờ các bạn du học sinh Việt Nam ở Nga cách đánh vần”.

Đại biểu Thanh Trang (Nga) nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn trong Trại hè. 

Trang khẳng định, sau 2 tuần ở Trại hè Việt Nam 2023, vốn tiếng Việt của em tăng lên rất nhiều, em còn giúp các bạn khác học và nói tiếng Việt. 

Ba thí sinh giải Ba nhận cúp lưu niệm. 

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Sở Giáo dục – Đào tạo Đà Nẵng đánh giá, “theo dõi phần dự thi của các bạn kiều bào sinh ra và lớn lên tại nước ngoài nói, hát, làm thơ, viết văn… tôi thấy khả năng sử dụng tiếng Việt của các bạn rất trôi chảy. Công tác bảo tồn tiếng Việt của cộng đồng người Việt mình ở nước ngoài rất tốt.

Với cách thể hiện hấp dẫn, tự tin các thí sinh truyền tải đến mọi người vẻ đẹp, nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.

Năm thí sinh nhận giải khuyến khích. 

Ngôn ngữ là điểm chạm về văn hóa

Ông Đinh Hoàng Linh – Vụ trưởng vụ Thông tin -Văn hóa (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) khẳng định, ngôn ngữ luôn là điểm chạm và truyền tải văn hóa cũng giống như hồn cốt của Việt Nam đến các bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài. 

Thông qua cuộc thi tiếng Việt, các thí sinh được rèn luyện về ngôn ngữ đồng thời được tìm hiểu về văn hóa, vẻ đẹp của đất nước cũng như truyền thống của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, 2 năm trở lại đây, Ban tổ chức luôn chủ động lồng ghép các chương trình tiếng Việt vào trong hành trình của Trại hè. 

Năm nay là phiên bản mới, hấp dẫn hơn cho các em tham gia, có thể đọc Rap, ngâm thơ, sáng tác thơ và kể truyện, thể hiện qua những bài hát về quê hương đất nước, về tình cảm gia đình giữa hai quê hương là nguồn gốc của các em và nơi các em sinh sống, học tập, làm việc cùng gia đình.

Ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng vụ Thông tin -Văn hóa (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài).

“Bên cạnh về văn hóa và ngôn ngữ dân tộc, chúng tôi muốn đẩy lên một tầm cao mới, đó chính là tình yêu quê hương đất nước. Trại hè là món quà ý nghĩa của Tổ quốc dành cho thanh, thiếu niên kiều bào và các sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi muốn giành sợi dây hết sức quan trọng, gắn kết thế hệ trẻ kiều bào với quê hương đất nước, đó chính văn hóa, là tiếng Việt. Đó là phương tiện tốt nhất để lan tỏa văn hóa, tinh thần Việt Nam đến bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài, sẽ là hành trang để các em thêm gắn bó với quê hướng đất nước, dân tộc”, ông Linh nói.

Chương trình Tài năng tiếng Việt mang cả ý nghĩa văn hóa, ngôn ngữ mà đặc biệt sâu sắc hơn là nền tảng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, là tình yêu quê hương đất nước của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tiêu biểu là các thanh niên, sinh viên Việt Nam trong Trại hè Việt Nam 2023. 

Các thí sinh chụp ảnh kỷ niệm cùng BTC và giám khảo cuộc thi. 

“Chúng tôi đặc biệt ghi nhận tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó có tiềm năng của thế hệ trẻ kiều bào.

Thứ nhất là tinh thần yêu nước, các em đã có sẵn tinh thần yêu nước được truyền lại từ thế hệ ông cha, thế hệ trước, có lẽ là một di sản vô cùng to lớn và quý báu của người dân Việt Nam. 

Thứ hai, các em được sinh ra và lớn lên trong các môi trường ở nhiều quốc gia phát triển và hiện đại, là cơ hội để các em học tập, tranh thủ, tìm hiểu và nâng cao trình độ kiến thức trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội.

Đây là nguồn lực hết sức quan trọng, để có thể đóng góp cho Tổ quốc. Chúng ta có tình yêu, có năng lực của các em thanh niên, sinh viên kiều bào.

Hai thứ đó cộng lại cùng với sự mở lòng, đón nhận của Tổ quốc, là cơ hội cho bà con Việt Nam ở nước ngoài, thế hệ trẻ kiều bào thể hiện tình cảm với quê hương đất nước, thể hiện năng lực của mình, khẳng định mình bằng cách đóng góp nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho quốc gia vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích dân tộc”, ông Đinh Hoàng Linh nhấn mạnh. 

Những điệu nhảy độc đáo được đại biểu trại hè giao lưu trên sân khấu. 

Đây là lần thứ 18 Trại hè Việt Nam được tổ chức cho sinh viên, thanh niên ở nước ngoài. Trong công tác tổ chức hàng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn có đánh giá rút kinh nghiệm, để có định hướng, biện pháp hiệu quả, phù hợp để cho các chương trình sau hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn so với các chương trình trước. 

120 Thanh, thiếu niên từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có những trải nghiệm thú vị trong Trại hè Việt Nam 2023.

“Đoàn có hơn 120 đại biểu từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, hành trình qua nhiều địa bàn, từ miền Bắc về đến miền Trung, thời tiết nắng nóng, có sự thay đổi về văn hóa vùng miền cũng như là món ăn…

Vì vậy, chúng tôi luôn quan tâm, để đảm bảo sức khỏe cho các em, tinh thần vui vẻ, hòa đồng… để có thể tạo ra những cơ hội cho các em giao lưu, có những chương trình biểu diễn chung với nhau giữa thanh niên trong nước với thanh niên kiều bào. Đồng thời chúng tôi cũng phát huy tinh thần chủ động của các em với quốc gia, đất nước…”, ông Đinh Hoàng Linh chia sẻ. 

Nguyễn Ngọc Cương, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Văn Hùng, Hà Lệ Yên