Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022. Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn dân gian, dân tộc truyền thống đặc sắc của Việt Nam và tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. 

 

Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn phát biểu tại Liên hoan.

Phát biểu tại buổi diễn thi đầu tiên, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ: Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch là hoạt động sự nghiệp của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, là dịp để các nghệ sĩ thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, khổ luyện, tích tụ những tinh hoa để tranh tài và tỏa sáng hơn nữa, Liên hoan là hoạt động để các nghệ sĩ, các nhà quản lý, các tác giả, đạo diễn có cơ hội trao đổi, giao lưu và học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm quý để hoàn thiện, nâng cao khả năng hoạt động nghệ thuật của mỗi cá nhân và đơn vị, từ đó đưa ra những phương hướng hoạt động phù hợp, biện pháp xây dựng những tiết mục, vở diễn và những chương trình nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ nhân dân.

Một cảnh vở diễn trong đêm khai mạc Liên hoan.

Liên hoan năm nay thu hút sự tham gia của hơn 600 nghệ sĩ đến từ 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước, bao gồm: Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TP.HCM.

Ban Tổ chức mong muốn các nghệ sĩ tham gia Liên hoan hãy tỏa sáng, đem hết tài năng nghệ thuật của mình, đem đến những chương trình vở diễn nghệ thuật chất lượng phục vụ khán giả và nhân dân. Các thành viên trong Hội đồng nghệ thuật hãy làm việc hết mình, công tâm, khách quan để lựa chọn ra những nghệ sĩ tài năng, các chương trình vở diễn nghệ thuật có chất lượng.

 



Để chào mừng sự kiện đặc biệt này, tập thể nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An trình diễn thi đầu tiên với vở Cánh cò trong bão (tác giả: Nhà văn Nguyễn Quang Vinh; Kịch bản chuyển thể: NSƯT Nguyễn An Ninh; Đạo diễn: NSND Lê Hùng). Cánh cò trong bão là hình ảnh một nữ cán bộ được điều động về làm chủ tịch một huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Cô đã phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức, với một hệ thống cán bộ bảo thủ, trì trệ, lối cũ đường quen, không dám thay đổi, dị ứng với nhân tài, làm rào cản cho bước đường đi lên của huyện… Bằng bản lĩnh, trí tuệ, dám nghĩ dám làm; tinh thần nghị lực, nét đặc trưng của văn hóa và con người xứ Nghệ, cô đã vượt qua mọi khó khăn, rào cản; vượt qua cơn bão của thiên nhiên, cơn bão của lòng người. Cô đã xây dựng huyện nhà phát triển đi lên. Đó cũng chính là hình ảnh con người mới mà xã hội đang hướng tới.

Liên hoan sẽ diễn ra 11 ngày với sự tham gia tranh tài của nhiều tác phẩm như: Cánh cò trong bão, Khúc gia trang dậy sóng trời nam, Hóa nhật muôn dân, Chờ đợi, Làm vua, Hồn thiêng sông núi, Chiếc áo thiên nga, Hoàng đế Lê Đại Hành, Vua thánh triều Lê, Cô thần, Ni sư Hương Tràng, Phường hoàng trung đô, Đi qua ngày giông bão, Sương phủ hoàng cung, Vầng sáng, Ngược sóng….

Sau đêm khai màn, lịch thi tiếp theo lần lượt thuộc về Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát nghệ thuật Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TP.Hồ Chí Minh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hoá… Các đêm diễn của Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 được Livestream trên Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và Fanpage Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Tình Lê