Giải ngân đầu tư công của TP.HCM năm 2022 mới đạt 29% kế hoạch năm dù chỉ còn 2 tháng nữa. Thành phố lập các tổ công tác rà soát những dự án có vốn đầu tư lớn, hàng tuần gặp chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn.
Ì ạch giải ngân
Báo cáo kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2022 của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, đã gần hết năm nhưng khối lượng thực hiện vốn đầu tư tại một số đơn vị của thành phố còn khá khiêm tốn. Cụ thể:
Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị: Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 được giao (bao gồm nguồn từ 2021) là 4.333 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng ước thực hiện đạt 47,6% so kế hoạch; dự kiến hoàn thành 18/35 dự án chuyển tiếp.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị: Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 được giao (bao gồm nguồn vốn chuyển tiếp) là 5.744 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng ước thực hiện đạt 51,5% kế hoạch.
Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp: Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 là 6.634 tỷ đồng, thực hiện đạt 3.528 tỷ đồng, bằng 51,3% kế hoạch.
Đặc biệt, Ban QLDA Đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị chỉ đạt 23,8%.
Tại cuộc họp kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM tuần qua, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết, liên quan đến công tác chống ngập trên địa bàn, đã gần nửa nhiệm kỳ nhưng thành phố mới thực hiện được 5/18 điểm ngập theo kế hoạch, còn lại 13 điểm ngập với kinh phí thực hiện khoảng 2.000 tỷ đồng.
Năm 2023, cắt vốn dự án chậm triển khai
Theo Sở KH-ĐT, tính chung tình hình giải ngân đầu tư công của TP.HCM năm 2022 mới đạt khoảng 29% kế hoạch. Thành phố đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy tốc độ giải ngân nhanh nhất có thể. Cụ thể, TP.HCM lập các tổ công tác theo dõi, rà soát những dự án có vốn đầu tư lớn, hàng tuần gặp chủ đầu tư. Sở, ngành có liên quan phối hợp, xem xét, tháo gỡ cho chủ đầu tư một số vấn đề, như điều chỉnh quy hoạch liên quan phê duyệt dự án; điều chỉnh dự toán gói thầu...
Ngoài ra, thành phố sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, cắt giảm kế hoạch vốn cho các dự án không có nhu cầu cấp bách hoặc không có khả năng triển khai, triển khai chậm. Thay vào đó, TP.HCM ưu tiên dự án trọng điểm, cấp bách. Kế hoạch đầu tư công năm 2023 sẽ chặt chẽ, khả thi và bám sát nhu cầu, khả năng giải ngân thực tế.
“Tránh tình trạng giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân quá khó khăn, không thể triển khai, phải điều chỉnh vốn nhiều lần”, theo lãnh đạo Sở KH-ĐT.
Tiến độ giải ngân tại TP.HCM đang thấp hơn so với bình quân chung cả nước (khoảng 50% kế hoạch giao). Để thúc giải ngân vốn đầu tư công, tại cuộc họp kinh tế xã hội tuần qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các đơn vị họp giao ban 2 lần/tháng và hàng tuần đều họp để tháo gỡ các điểm nghẽn đầu tư công ở địa bàn quận/huyện/TP. Thủ Đức hoặc các Ban quản lý.
“Thành phố sẽ rà soát 51 đề án, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, phân bổ lại nguồn lực trong năm 2023. Tại kỳ họp HĐND tới đây, UBND sẽ báo cáo 30 nội dung liên quan đến điều chỉnh trung hạn đầu tư công, bố trí các dự án trọng điểm trong kế hoạch 2023”, ông Mãi nói.
Kế hoạch thu Ngân sách năm 2023 tăng 80.000 tỷ đồng
"Thu NSNN tại TP.HCM đến hết tháng 10/2022 khoảng 393.000 tỷ, đạt 101% dự toán năm. Trong năm 2022, kế hoạch giao thu NSNN của thành phố là 386.000 tỷ, nhưng ước thực tế cả năm thực hiện lên tới 426.000 tỷ, vượt so với kế hoạch khoảng 40.000 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2023, TP.HCM được giao thu NSNN 469.000 tỷ, đồng nghĩa thu ngân sách năm sau của thành phố sẽ tăng khoảng 80.000 tỷ đồng so với năm 2022. Trong bối cảnh kinh tế quý IV/2022 đang có dấu hiệu chững lại và sụt giảm ở một số ngành, chỉ tiêu thu NSNN trên sẽ là một thách thức" - theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch TP.HCM.
Bị 'trả lại' chục nghìn tỷ vốn ODA, Bộ Tài chính nêu cách khắc phụcĐại biểu Quốc hội băn khoăn khi 9 tháng năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm hơn 11 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn ODA. Năm 2020 bị "trả lại" hơn 14 nghìn tỷ, 2021 "trả lại" trên 20 nghìn tỷ.