Thượng úy Lê Thừa Văn (27 tuổi), Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân vừa được Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng tuyên dương vì có nhiều thành tích.
Con nuôi của già làng
Thượng úy Lê Thừa Văn sinh ra và lớn lên tại xã Trung Hải, Gio Linh, Quảng Trị. Tốt nghiệp thủ khoa khóa 26, Học viện Biên phòng, anh được phân công về Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP tỉnh Quảng Trị.
Thượng úy Lê Thừa Văn dạy trẻ em vùng biên giới trong mô hình "Nâng bước em tới trường". |
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo quản lý đoạn biên giới đất liền và trên sông dài 16,5km, với 6 mốc quốc giới. Gắn bó mật thiết với bà con khu vực biên giới, anh càng thấm thía câu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Mỗi khi có thiên tai hạn hán, bão lũ bất thường, anh cùng đồng đội không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để cứu tính mạng, tài sản của người dân.
Anh kể, đợt lũ lịch sử năm 2020, Quảng Trị phải đối mặt với 6 trận lũ liên tiếp. Ánh mắt kiệt quệ của già làng Hồ Thanh Bình, bản Ka Tăng trong cơn bão Noul khiến anh ám ảnh. Khi các chiến sĩ đội mưa bão tới nơi, nhà của già làng bị tốc mái hoàn toàn, tường nhà nguy cơ bị sập rất cao.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch biểu dương điển hình trẻ tiêu biểu toàn quân |
“Tận dụng vật chất tại chỗ, đơn vị hỗ trợ chèn tường, lợp mái, dựng cột, chằng chống nhà cửa. Anh em làm cật lực từ giữa trưa đến đêm muộn, ngôi nhà hoàn thành. Đêm đó trời lại mưa bão, gió rất lớn, chúng tôi thức đêm cùng nhau trong lòng cảm thấy thực sự ấm áp. Bão đi qua, tôi được già làng nhận làm con trong gia đình”, anh chia sẻ.
Màn hóa trang tinh vi
Chốt kiểm dịch sông Sê Pôn, bên này là bản Ka Tăng, Lao Bảo (Việt Nam), bên kia là bản Ka Túp 2, cụm bản Ka Túp Mạ Hạt, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) là nơi anh cùng 3 cán bộ chiến sĩ khác chốt giữ, kiểm soát. Người dân thường xuyên qua lại, vừa thu mua nông sản.
Chiếc lều dã chiến được dựng lên là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của 3 cán bộ, chiến sĩ. Những cơn gió Lào nóng phả vào hầm hập khiến bất cứ ai khi bước vào chốt đều cảm thấy khó chịu. Ban ngày nắng nóng khô hanh nhưng ban đêm lại lạnh.
Đường mòn nhiều lối ngang ngõ tắt, sông suối mùa nước cạn, bà con không cần đi bè mà đi bộ qua là đến bên kia biên giới. Trong đợt dịch, nếu không kiểm soát tốt, chỉ một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn.
Lực lượng kiểm soát biên giới thuộc đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. |
Thượng úy Văn cho biết, có những người cố tình luồn lách vào container hay có những trường hợp còn tinh vi hơn khi cải trang giống người bản địa nhằm thoát khỏi sự kiểm soát.
Am hiểu phong cách, nếp sống sinh hoạt của bà con dân tộc, những trường hợp như thế khó lọt qua con mắt của lính biên phòng như anh Văn.
Tuy nhiên có người đóng giả giống đến nỗi bản thân anh Văn vốn nắm rõ địa bàn cũng khó nhận ra. Những lúc như thế này, quần chúng nhân dân đặc biệt là những già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong thôn khóm cơ sở giúp anh rất nhiều. Những người có ý đồ vượt biên dù cải trang khéo léo đến mấy cũng sẽ để lộ ra một vài chi tiết bất thường.
Anh kể: “Có một lần ở chốt chặn đường mòn, tôi bắt gặp một người phụ nữ đi bộ mặc áo váy áo của đồng bào dân tộc ít người, trên vai đeo một cái gùi có cả chiếc rựa. Chị này đi lại rất bình thường, gương mặt bình tĩnh, thậm chí để đánh lạc hướng chúng tôi, chị còn cố tình phát quang vài cây bên đường. Hành động đó quả thực quá giống bà con đi làm nương”.
Tuy nhiên, anh nhận ra điểm kỳ lạ, móng tay của người phụ nữ đó dài bất thường, nhìn kỹ, anh phát hiện ra người này nối móng tay giả, màu tóc vẫn còn lấm tấm dấu vết của thuốc nhuộm. Anh chợt nghĩ “làm gì có bà con nào đi phát cây mà móng tay dài như thế, bàn tay lại có một móng sơn màu”.
Nhận thấy điểm đáng nghi, anh cùng đồng đội gặng hỏi, người này nhất quyết chối. Trước bằng chứng không thể giải thích, chị này đành thú nhận vượt biên từ Lào để về quê ở Nghệ An.
Hai lần hoãn cưới và lời ước hẹn chưa thành
Gọi từ đầu dây bên kia chị Nguyễn Thị Thu Thùy - vợ Thượng úy Lê Thừa Văn vừa hỏi thăm sức khỏe vừa giận hờn đôi chút vặn hỏi chồng: “Anh có nhớ hôm nay là ngày gì không? Hôm nay đã tròn một năm vợ chồng mình hoãn cưới lần 2”.
Bám trụ trên chốt biên giới phòng chống Covid-19 suốt một năm liền, Thượng úy Lê Thừa Văn là một trong những chiến sĩ biên phòng tạm gác lại điều hệ trọng của cuộc đời.
Thượng úy Lê Thừa Văn |
Yêu nhau từ ngày anh về công tác tại Đồn biên phòng Lao Bảo năm 2016, hai người quyết định làm đám cưới với nhiều dự định ấp ủ. Nhà trai, nhà gái chia nhau từng phần việc, phân công nhiệm vụ rõ ràng, lo đặt nhà hàng, in, chuyển thiệp cưới, lên danh sách khách mời, đặt nhà hàng.... Cô dâu, chú rể lo sắm áo cưới, chụp ảnh, dựng clip kể lại chuyện yêu đương của mình để khoe với bạn bè niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời. Mọi thứ đã xong xuôi cho ngày cưới được ấn định vào 21/3/2020.
Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã làm mọi thứ bị đảo lộn. Sau khi thống nhất với vợ chuyện hoãn đám cưới, anh nói ra nguyện vọng thì bị cả gia đình nội ngoại phản đối.
“Chứ rứa sao được, còn vài ngày nữa, đặt đồ xong, thiệp mời đưa hết rồi! Mi hoãn rồi giờ mi bảo ba mẹ đi từ chối à. Đừng làm khó ba mẹ như rứa nữa”, mẹ anh trách mắng.
Mất 2 ngày anh mới thuyết phục được bố mẹ 2 bên. Trước khi cưới 4 ngày, vợ chồng anh tức tốc gọi điện thông báo hoãn tiệc đến 700 người. Sau khi anh Văn thông báo việc hoãn cưới vì Covid-19 lên mạng xã hội đã nhận được sự chia sẻ, động viên, khen ngợi từ cộng đồng và bạn bè, đồng nghiệp.
Sau 3 tháng tăng cường cùng đồng đội bám trụ trên biên giới, đầu tháng 6/2020, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tạm thời lắng xuống, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị điều động những cán bộ làm nhiệm vụ chống dịch trên biên giới về lại công tác tại Bộ chỉ huy.
Trong thời gian này, gia đình hai bên thống nhất tổ chức đám cưới vào tháng 7. Khi mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, ai cũng vui mừng vì sắp được dự ngày vui của Văn và Thùy thì dịch bệnh Covid-19 lại bất ngờ trở nên phức tạp khi ổ dịch tại Đà Nẵng bùng phát. Hai người lại hoãn cưới lần hai.
“Quá tam ba bận, chúng tôi quyết định sang năm 2021 sẽ tổ chức cưới. Dự định sẽ tổ chức cưới tháng 3, nhưng vì làm công tác đoàn thể, quần chúng nên tôi phải ra Hà Nội dự tuyên dương, đám cưới vẫn chưa thể tổ chức được. Giờ đây hai vợ chồng lại nói vui với nhau, kỷ niệm tròn 1 năm hoãn cưới. Không biết đến bao giờ tôi mới cho vợ mặc váy cưới”, anh cười cho biết.
Tuy chưa tổ chức đám cưới nhưng sau khi đăng ký kết hôn, Thượng úy Lê Thừa Văn và vợ đã về chung một nhà. Gia đình cách đơn vị không xa, nhưng rất hiếm khi anh được về bởi dịch bệnh, anh phải bám nắm địa bàn.
Trần Thường
Tiếng gõ trong khoang sà lan chìm và cuộc giải cứu của chiến sĩ 9X
Đối đầu với “giặc lửa” hay những lần cứu hộ khẩn cấp do tai nạn là “mặt trận” không tiếng súng, không có tội phạm nhưng không kém phần hiểm nguy và gian khổ.