Đường Võ Văn Kiệt nối dài là 7 trong số 23 vị trí kết nối với tỉnh Long An được TP.HCM đánh giá là đặc biệt quan trọng cần xem xét ưu tiên đầu tư.
Đoạn 8km đường Võ Văn Kiệt được sửa chữa là làn đường xe hai bánh từ Km4+900 đến Km12+900, bên phải tuyến hướng từ nút giao Tân Kiên về đường hầm sông Sài Gòn.
Hiện nay, đoạn xe hai bánh này gồm 2 làn rộng từ 3-3,5m và 2-2,5m, được ngăn cách bằng dải phân cách cứng với bồn cỏ kéo dài liên tục có bề rộng trung bình 0,75m và bồn cỏ có trồng cây khoảng 2m.
Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM là đơn vị quản lý tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt, đã triển khai cải tạo đoạn đường trên và dự kiến giữa tháng 9 sẽ hoàn thành.
Theo đại diện Trung tâm, hiện nay, lưu lượng phương tiện trên tuyến tăng cao, đối với việc bố trí làn đường như trên gây ùn tắc cũng như xảy ra va quẹt giữa các phương tiện.
Do đó, việc cải tạo dải phân cách tách giữa hai làn xe hai bánh, điều chỉnh làn đường xe hai bánh từ hai phần đường rộng như trên chỉ còn một làn, với chiều rộng trung bình 7m, sẽ đồng bộ suốt tuyến là rất cần thiết. Việc này còn tăng năng lực thông hành của đường, đảm bảo an toàn giao thông.
Cùng với dỡ bỏ dải phân cách, phía Trung tâm sẽ dịch chuyển (bứng dưỡng, trồng lại) 48 cây xanh gồm các loại me, lim sét; đốn hạ 188 cây xanh già cỗi, sinh trưởng kém như long não, phượng vỹ.
Đường Võ Văn Kiệt có tổng chiều dài hơn 13km, kéo dài từ đoạn giao nhau giữa đường Hàm Nghi và đường Tôn Đức Thắng, thuộc bờ Tây sông Sài Gòn, quận 1 đến cầu vượt quốc lộ 1, huyện Bình Chánh.
Tuyến đại lộ rộng 60m được thông xe năm 2009 là một phần đại lộ Đông - Tây; là tuyến huyết mạch, liên kết TPHCM với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đến nay, sau 15 năm khai thác, lưu lượng xe trên tuyến đường ngày càng tăng.
Hiện, ngành giao thông TPHCM và tỉnh Long An đã thống nhất chủ trương sẽ nghiên cứu nối dài tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt từ TPHCM đến KCN Hải Sơn - Tân Đô (huyện Đức Hòa, Long An). Khi hoàn thành, trục đường này góp phần tăng kết nối vùng, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội ở hai địa phương.