Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh!

Thưa toàn thể các đồng chí!

Hôm nay, sau 01 buổi sáng làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao; Hội nghị đầu tiên của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước mở đầu cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt hoan nghênh các đồng chí đã tham dự Hội nghị rất đông đủ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, nhiều kinh nghiệm bổ ích, có thể nhân rộng, mang đến cho Hội nghị một tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, thống nhất cao.

Về các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, tôi đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý để hoàn thiện nội dung các văn bản, trình cấp có thẩm quyền ký để khẩn trương tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh phân loại, giải quyết theo thẩm quyền; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo theo quy định.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể Hội nghị!

Như chúng ta đã biết, các chương trình mục tiêu quốc gia luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, miền núi, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tạo cơ hội việc làm và ổn định thu nhập cho người dân. Trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các mục tiêu về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đều đạt kết quả cao. Bộ mặt nông thôn, miền núi khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Phát huy những kết quả đạt được trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn trước; ngay những tháng đầu của năm 2021 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh; chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định.

Tại hội nghị này, chúng ta đã được nghe dự thảo Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021. Có thể khẳng định rằng: Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 và dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; song, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rất cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, có hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tỉnh ta đã tổ chức rất thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; triển khai thực hiện thành công "Mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa duy trì, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm; từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đến tổ chức thực hiện và đã đạt được kết quả tích cực. Việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới được tăng cường. Trong điều kiện còn gặp không ít khó khăn; nhưng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã huy động được trên 2.300 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng các sản phẩm OCOP. Nhiều công trình hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo; nhiều mô hình sản xuất được triển khai, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả bước đầu quan trọng; một số sản phẩm có thương hiệu trong và ngoài tỉnh. Đến nay, đã có 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 01 sản phẩm OCOP đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao). Việc xét công nhận sản phẩm OCOP, xã, thôn, bản nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được tiến hành bài bản, chặt chẽ và thực chất.

Xây dựng nông thôn mới thực sự đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thu hút được cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư và toàn xã hội tham gia. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có thêm 11 xã, 13 thôn, bản miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã, 22 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Lũy kế đến nay, đã có 08 đơn vị cấp huyện, 330 xã, 858 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã, 85 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,57 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung của cả nước (16,7 tiêu chí/xã).

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, đạt được kết quả như trên thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành và người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh, tôi ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thời gian qua và nhiệt liệt biểu dương các tập thể, cá nhân được vinh danh khen thưởng tại Hội nghị hôm nay.

Thưa các đồng chí!

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn những hạn chế, có mặt yếu kém như báo cáo đã nêu. Tại hội nghị này, tôi xin nhấn mạnh thêm một số hạn chế, đó là: Nông nghiệp phát triển chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào thiên tai, thời tiết, thị trường tiêu thụ; dự báo cung cầu, thị trường còn hạn chế. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao; sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị; chưa có nhiều sản phẩm mới, có thương hiệu. Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền; giữa các huyện, xã không đồng đều và chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện. Trong khi tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh đạt 70,66%, thì vùng đồng bằng đã đạt trên 92%, miền núi chỉ đạt 30,06%. Việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới ở một số nơi đạt kết quả thấp. Một số địa phương mới quan tâm đến xây dựng kết cấu hạ tầng mà chưa chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại có xu hướng tăng, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo.

Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hình thành chủ yếu tự phát, hiệu quả chưa thực sự ổn định; kết nối thị trường chưa thông suốt; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa phổ biến; năng suất lao động, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, thu nhập của người nông dân còn khoảng cách rất lớn so với khu vực đô thị. Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò diễn biến phức tạp; tính đến ngày 16-6-2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 5.854 hộ chăn nuôi tại 1.346 thôn của 333 xã, thuộc 25 huyện, thị xã, thành phố làm 7.452 con trâu, bò mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 1.811 con. Kết quả thực hiện Chương trình OCOP ở một số địa phương còn hạn chế; vẫn còn 06 huyện, thị xã, thành phố chưa có sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên cơ bản là do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới chưa toàn diện, hiệu quả chưa cao. Nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình tiên tiến, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập của người dân. Một số nơi tập trung đầu tư xây dựng cơ bản quá lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài. Một số xã, thôn, bản đã đạt chuẩn nông thôn mới có biểu hiện thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được, nên không tiếp tục tập trung cao cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể Hội nghị!

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã đề xuất thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021 – 2025, gồm: (1) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. (2) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. (3) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng, khu vực nông thôn, miền núi chiếm khoảng 80% diện tích toàn tỉnh; lao động nông nghiệp và số người dân sống trong khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động và dân cư trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh.

 Để thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; trong thời gian tới, tôi đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, bám sát Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 120, ngày 19-6-2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương, khẩn trương xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách,… để tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo quy định; trong đó, phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện của cả giai đoạn 2021-2025 và từng năm, xác định các nguồn lực cụ thể; có giải pháp tháp gỡ những nút thắt, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để tạo động lực cho sự phát triển và cam kết thực hiện.

Trước mắt, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tiến hành rà soát hoàn thiện Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, bảo đảm khoa học, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, liên thông trong tổ chức triển khai các chương trình và phát huy tính linh hoạt, sáng tạo của các thành viên Ban Chỉ đạo, tính chủ động trong công tác tham mưu của các cơ quan thường trực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời chuẩn bị chu đáo các điều kiện để ngay sau khi Trung ương phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, có thể triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế và mục tiêu của tỉnh.

Thứ hai, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương; theo chức năng nhiệm vụ được giao, các cấp, các ngành cần chủ động rà soát, đánh giá lại hệ thống các cơ chế, chính sách của tỉnh đang còn hiệu lực để đề xuất sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp theo hướng giảm số lượng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tăng định mức và tập trung hỗ trợ những nội dung, hạng mục quan trọng, thực sự cần thiết, có tính chất “đòn bẩy” để tạo động lực phát triển sản xuất, thu hút đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội… Tăng cường thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khu vực miền núi để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia. Các chương trình mục tiêu quốc gia lần này đều hướng tới giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho khu vực nông thôn, miền núi, các đối tượng yếu thế trong xã hội; trong đó có thể nói Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình cốt lõi, tác động lớn đến việc thực hiện các chương trình còn lại.

Thực hiện chủ trương tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, nâng cao và bền vững, với phương châm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, đặc biệt là phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra. Đối với tỉnh ta, cần thống nhất nhận thức là: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn giữ vai trò quan trọng, là trụ đỡ, là nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, hoạt động phát triển nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống cho nông dân. Người nông dân phải là trung tâm, là chủ thể, nông thôn phải là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp phải là động lực cho sự phát triển của tỉnh. Trong thời gian tới, các địa phương cần rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã theo hướng nâng cao các tiêu chí phục vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; chú trọng thực hiện các “tiêu chí mềm”, không mất tiền mà còn làm ra tiền, như: Về văn hóa, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng hệ thống chính trị,... Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao, từ nền nông nghiệp phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế hợp tác. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình OCOP, phấn đấu mỗi xã có nhiều sản phẩm OCOP và toàn tỉnh có thêm nhiều sản phẩm OCOP quốc gia, cấp tỉnh có thương hiệu. Phấn đấu đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đưa nông thôn mới trở thành nơi đáng sống.

Thứ tư, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án và các nguồn lực hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho các chương trình là có hạn, vì vậy cần phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải. Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và từ Nhân dân trên cơ sở các quy định của Nhà nước để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới; đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch trong tổ chức triển khai thực hiện.

Thứ năm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong xã hội, nhằm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và mục tiêu của các chương trình trọng tâm; đồng thời, biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, cuộc vận động và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân thiếu quyết liệt, chần chừ, ngại khó hoặc để xảy ra sai phạm.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể Hội nghị!

Phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong những năm qua và những tháng đầu năm 2021, tin tưởng chắc chắn rằng, với truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, chúng ta sẽ thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng.

Cuối cùng, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh, tôi chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu, cùng toàn thể các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Tôi tuyên bố bế mạc Hội nghị./.