Thời gian qua, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM kiểu mẫu”, “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”. 

Hải Sơn là địa phương đầu tiên của huyện Hải Hậu có 100% xóm hoàn thành xây dựng nhà văn hóa. Mỗi nhà văn hóa xóm được xây dựng với kinh phí từ 200-300 triệu đồng, diện tích mỗi nhà văn hóa đạt trên 400m2. Trang thiết bị của các nhà văn hóa khá đầy đủ, có tủ sách với trên 100 đầu sách cùng hệ thống bàn, ghế, loa đài, micro, bàn đọc sách, bàn bóng bàn và sân chơi cầu lông, sân bóng đá mi ni, sân bóng chuyền.

Hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở Hải Sơn là một trong những mô hình tiêu biểu trong việc phát huy vai trò, chức năng của hệ thống thiết chế văn hoá gắn với việc nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở của huyện Hải Hậu.

Trên địa bàn xã có 2 di tích - lịch sử văn hoá được UBND tỉnh xếp hạng là Chùa Nam Anh, xóm 1 và Từ đường họ Nguyễn, xóm 4. Nhận thức sâu sắc vai trò, giá trị tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh cho nhân dân, xã thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Xóm Lâm Phú, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy có 195 hộ dân, 529 nhân khẩu; chi bộ đảng có 48 đảng viên. Thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, nhân dân trong xóm đã đồng thuận, đồng sức, đồng lòng, tích cực tham gia.

Năm 2020 xóm Lâm Phú đã được UBND huyện Giao Thủy công nhận là xóm văn hóa NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, năm 2022, xóm Lâm Phú được UBND xã chọn xây dựng xóm theo mô hình “Xóm NTM thông minh”. Cấp ủy chi bộ, ban lãnh đạo xóm đã tổ chức họp xin ý kiến nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đến nay, xóm đã lắp đặt 7 cụm camera an ninh, lắp wifi miễn phí tại nhà văn hóa xóm. Hàng năm, các hộ gia đình thuộc 5 khu dân cư trong xóm tự nguyện đóng góp 400 nghìn đồng/hộ/năm để phục vụ điện chiếu sáng ban đêm; mỗi hộ còn đóng góp 200 nghìn đồng cho công tác vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương. Đặc biệt, một số hộ gia đình tự nguyện đóng góp tiền phục vụ thắp sáng tuyến đường điện led trên địa bàn xóm.

Khu dân cư xóm 3, xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng có 207 hộ gia đình với tổng số 668 nhân khẩu. Những năm qua, Ban công tác Mặt trận phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Nhân dân trong xóm phát huy tinh thần đoàn kết, sự cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa bàn, khắc phục khó khăn để vươn lên, xây dựng khu dân cư ổn định và ngày càng phát triển.

Thực hiện chủ trương giảm nghèo, bà con trong xóm luôn đoàn kết quyên góp tiền giúp đỡ khi có người bị tai nạn, rủi ro, đau ốm. Các tổ chức đoàn thể đã xây dựng nguồn quỹ giúp nhau phát triển kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người của xóm hiện đạt 78,2 triệu đồng/năm. Hộ làm ăn khá, giàu ngày càng tăng. Năm 2022, xóm không còn hộ nghèo đa chiều. Trên 96,5% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trong đó có 12% hộ gia đình văn hóa tiêu biểu.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cuối năm 2021 và năm 2022, khu dân cư đã huy động nhân dân trong xóm và con em xa quê, các gia đình có điều kiện nâng cấp, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng; xây dựng bồn hoa, chậu hoa, cây cảnh trên các tuyến đường và khuôn viên nhà văn hóa với tổng trị giá trên 100 triệu đồng… Đến nay, hai bên đường trục trên toàn xóm đã trồng 965m đường hoa, cây bóng mát và 180 chậu hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Xóm 3 đã được công nhận xóm NTM kiểu mẫu, góp phần để xây dựng xã Nghĩa Minh đạt xã NTM kiểu mẫu.

Thời gian qua, các khu dân cư trong tỉnh đã tích cực thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Hàng năm, Ban công tác Mặt trận các khu dân cư tổ chức tốt việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu trong dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11). Chất lượng xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa được nâng cao. Nhân dân đoàn kết thực hiện tốt quy ước làng, xóm văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, Ban công tác Mặt trận các khu dân cư thường xuyên phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân đóng góp tiền, công sức xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa cộng đồng, các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự; đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Cảnh quan môi trường, đường làng ngõ xóm phong quang sạch đẹp. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, khởi sắc.

Những câu chuyện ghi nhận từ thực tế tại Nam Định cho thấy, với hướng đi đúng đắn, cách đầu tư, xây dựng có trọng tâm, trọng điểm các thiết chế văn hoá cơ sở ở Nam Định đã góp phần làm phong phú và đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở khu dân cư. Việc xây dựng các thiết chế văn hoá không chỉ tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân trong xã được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, mà còn nâng cao nhận thức, tăng cường sự đoàn kết, động viên nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã có 182/204 xã, thị trấn đạt tiêu chí NTM nâng cao. Có 349.836/515.369 lượt hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá gương mẫu”, đi đầu trong các phong trào, có nhiều đóng góp tích cực xây dựng khu dân cư­, được bình xét biểu dương, khen thưởng trong dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hàng năm.

Yến Hưng