Ngày 12/6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên năm 2023 và kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội.
Thông tin tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, cho biết, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm hai con số trong tháng 3 năm nay. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc giảm quanh mức 20%; xuất khẩu sang Mỹ, EU, Trung Quốc giảm sâu hơn, khoảng 40%.
Tính chung, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt 265 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 600 triệu USD, giảm 37%.
Bên cạnh những khó khăn từ tác động kinh tế, ảnh hưởng tới sức mua từ các thị trường nhập khẩu chính, tôm của Ecuador, Ấn Độ và Indonesia đang áp đảo con tôm Việt trên thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp tôm lo lắng về khả năng cạnh tranh giá thành nuôi tôm.
Đại diện Công ty Công ty CP Chế biến thuỷ sản Tài Kim Anh (Sóc Trăng) cho hay, 5 tháng đầu năm, doanh số nhập khẩu tôm các loại của Trung Quốc là hơn 3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã giảm khoảng 24,9% sản lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Trong khi đó, lượng tôm nước láng giềng nhập từ Ecuador, Ấn Độ lại tăng đột biến.
Ước tính, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Trung Quốc chỉ đứng thứ 11, và là quốc gia bị Trung Quốc giảm mua nhiều nhất. Nguyên nhân chính do giá tôm của Việt Nam quá cao.
Đầu năm 2010, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, Thái Lan về sản lượng tôm. Còn hiện tại, 3 thị trường Ecuador, Ấn Độ, Indonesia đã vượt Việt Nam về sản lượng, chiếm 11% thị phần toàn cầu trong năm 2019.
Mỗi năm, Việt Nam “đốt” 10.000 tỷ kiểm định kháng sinh
Đề cập tới thực trạng trên, "vua tôm" Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Cà Mau), khẳng định, nếu không có giải pháp giảm giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành tôm Việt sẽ suy thoái, thất bại, thậm chí không thể tồn tại. Ông nêu các dẫn chứng điển hình.
Cụ thể, giá thành tôm Việt Nam đang ở mức 4,8-5 USD/kg, cao hơn 100% so với Ecuador (2,3-2,4 USD/kg), cao hơn 30% so với Ấn Độ (3,4-3,8 USD/kg).
Tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam thấp (dưới 40%), thấp hơn so với Ecuador (90%) và Ấn Độ (60-70%). Tỷ lệ tôm sống thấp trong nuôi thương phẩm do chưa chủ động chọn giống và sản xuất tôm giống có sức chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường.
Đáng lo, Việt Nam chưa kiểm soát tốt bệnh tật trên tôm. Tôm nuôi nhiễm kháng sinh, thiệt hại có thể lên tới 2 tỷ USD. Ước tính mỗi năm, Việt Nam “đốt” từ 7.000-10.000 tỷ đồng chi phí kiểm định kháng sinh.
Mật độ nuôi tôm trong nước đang cao hơn so với sức tải sinh thái và khả năng quản lý ao nuôi, gây rủi ro lớn. Trước kia, doanh nghiệp nuôi tôm mật độ khoảng 80 con/m2, sản lượng thu hoạch tốt. Đến khi sản lượng tăng đến 150-250-500 con/m2 thì công ty thất bại, lỗ thảm hại.
Trong khi đó, Ấn Độ đang giữ mật độ nuôi tôm vừa phải, chỉ khoảng 60 con/m2; Ecuador là 20-30 con/m2; còn Việt Nam trung bình từ 250-500 con/m2.
“Chúng ta nuôi tôm lớn nhanh, mật độ cao nhưng môi trường nuôi thì đầy rẫy mầm bệnh. Tất cả xuất phát từ lòng tham, muốn tôm lớn nhanh để rút ngắn thời gian thu hoạch, thả mật độ cao để có sản lượng lớn. Chúng tôi quá tham nên thất bại. Chính lòng tham đã giết chúng ta”, ông Quang thừa nhận.
Chủ tịch VASEP cho rằng, thời gian tới, ngành nuôi mà không sống được thì toàn ngành sẽ không sống được. Trong chuỗi giá trị của con tôm, chúng ta làm tốt ở khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu, tuy nhiên, hệ sinh thái con giống, nguyên liệu của ngành tôm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước chú trọng trong một thời gian dài. Giá thành tôm Việt Nam đang tụt hậu so với thế giới.
Theo báo cáo từ VASEP, cạnh tranh giữa tôm Việt Nam với tôm Ecuador và Ấn Độ năm nay rất gay gắt. Năm 2023, Ecuador dự kiến tăng cung lên 1,5 triệu tấn. Dự báo, giá tôm sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng.
Ngoài ra, nếu so sánh hai mốc thời gian 2017 và 2022, tổng lượng sản xuất tôm của Thái Lan lần lượt là 0,33 triệu tấn và 0,28 triệu tấn; Việt Nam là 0,45 triệu và 0,8 triệu tấn. Trong khi đó, Ecuador đã tăng vọt từ 0,48 triệu tấn lên 1,3 triệu tấn; Ấn Độ tăng 0,6 triệu lên 0,9 triệu tấn.