Tính đến 31/8/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng các chương trình tín dụng. Doanh số cho vay là 135.964 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ của đơn vị. Dư nợ bình quân đạt 34 triệu đồng/hộ dân tộc thiểu số, cao hơn bình quân chung các hộ dân được vay vốn cả nước (30,4 triệu đồng/hộ).
Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc. |
Đối với các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện theo các Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg, Quyết định số 1592/QĐ-TTg, Quyết định số 755/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có trên 371.000 lượt hộ được vay vốn; doanh số cho vay đạt 3.830 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 2.342 tỷ đồng.
Nguồn vốn này đã góp phần giúp hộ DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Cụ thể, có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162.000 lao động (trên 16.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 211.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215.000 căn nhà ở...
Không thể phủ nhận, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, từ mặc cảm, tự ti, chuyển sang mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả, nhất là ý chí vươn lên không ngừng.
Bài: Đỗ Hữu Duyên - nhóm PV
Ảnh: Lê Anh Dũng - Nhóm PV