Trên tường treo một bức ảnh đại gia đình khổng lồ. Tôi chưa từng thấy bức ảnh nào được phóng to như thế. Cả phòng khách sáng và sang hẳn lên. Vậy là niềm ao ước bao nhiêu năm của tôi đã thành hiện thực và đẹp hơn tôi mong muốn rất nhiều.

anh gia dinh
Bức ảnh đại gia đình trong ngày lễ thượng thọ bố chồng tôi 80 tuổi. Ảnh: Dư Phương Liên 

Trước đây, mỗi lần đến nhà ai thấy có bức ảnh đại gia đình của họ, tôi đều ngưỡng mộ và có chút ghen tị. Nay thì nhà tôi còn có một bức lớn hơn thế rất nhiều. 

Bố mẹ chồng tôi sinh được 5 người con, đến nay là 10 người bao gồm cả dâu, rể cùng 11 đứa cháu nội, ngoại. Chồng tôi là con trưởng, tôi là dâu trưởng. Trong mắt tôi, một người từ nhỏ đến lớn không có anh chị em, chỉ mỗi 2 mẹ con với nhau, thì đó quả thật là một gia đình lớn.

Tôi luôn nghĩ, như thế mà không có một bức ảnh nào chụp lại để làm kỉ niệm thì thật phí. Ngoài ra còn một nguyên nhân khác sâu xa hơn, tôi chưa bao giờ nói ra. Đó là tôi luôn lo sợ mình sẽ không thể có mặt trong bức ảnh đại gia đình, nếu một ngày nào đó nó được chụp.

Vì từ khi lấy chồng đến nay, 17 năm liên tục, tôi luôn phải chịu đựng sự giày vò của ốm đau, bệnh tật dẫn đến khuyết tật. Đã từng vài lần đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, nên tôi rất mong có một bức ảnh đại gia đình càng sớm càng tốt để tôi thấy mình là một thành viên trong đó. 

Mong vậy nhưng tôi chỉ để trong lòng, còn bề ngoài lại phàn nàn là cả nhà lười chụp ảnh cùng nhau quá.

Có lần đang nằm viện sau một ca phẫu thuật nặng nề, tôi nói với bố mẹ chồng: “Sau lần này, nếu con khỏe lên, Tết cả nhà cùng chụp ảnh nhé”. Mặc dù bố mẹ mỉm cười bảo sẽ chiều theo ý tôi, nhưng rồi lại quên. Tôi cũng không nhắc lại nữa. Chỉ nghĩ chắc chẳng bao giờ có bức ảnh đó. 

Không ngờ trong tiết trời đầu xuân ấm áp Tết năm 2024, ý nguyện của tôi đã được thực hiện. Hôm ấy là ngày làm lễ thượng thọ bố chồng tôi 80 tuổi. Các con cháu tụ tập đông đủ. Tuy không mời bất cứ ai, nhưng không khí trong nhà rất tất bật, vui tươi.

Các em chồng đi ra, đi vào chuẩn bị mọi việc: Làm cơm, thuê quần áo, mua hoa, mua bánh, mua kỉ vật tặng bố. Còn thuê riêng cả một thợ ảnh đến tận nhà chụp. Kết quả là có rất nhiều ảnh và một bức được phóng to lồng vào khung kính như tranh treo tường mà tôi thấy khi vừa bước chân vào nhà.

Đứng trước bức ảnh, lòng tôi bồi hồi xúc động. Ngoài người mẹ già vẫn ở bên tôi hàng ngày, tôi còn có một gia đình lớn như thế này ư? Ngoài người chồng đã cùng tôi vượt qua bao thác ghềnh của số phận, tôi còn có nhiều người em là chỗ dựa như thế này sao?

Mặc dù bao năm nay luôn là mối quan tâm đặc biệt của gia đình chồng, nhưng tôi thấy mình vẫn có chút xa cách vì luôn đứng ngoài mọi việc, không thể giúp gì được, cũng không ai cần tôi giúp cả.

Trong mắt bố mẹ chồng, tôi chỉ là đứa con nít. Chưa tới bữa, ông bà đã lo mua cháo cho tôi ăn, lau bát, lau thìa, lấy giấy. Chưa đi ngủ đã lo mắc màn. Mùa hè, bố mẹ mang thêm quạt, mùa đông đắp thêm chăn. Tôi kêu đau ở đâu là ông bà lo lắng, không yên.

Trong mắt các em chồng, tôi cũng không khá hơn mấy. Thấy chị thiếu thứ gì là đáp ứng ngay. Lúc nào cũng hỏi chị có khỏe không, có cần gì không, em làm cho. Khi hai vợ chồng từ quê đi, là được gói cho bao nhiêu đồ ăn, thức uống. Túi to, túi nhỏ chất đầy xe. Mang về cất đầy tủ lạnh, cả tuần không dùng hết, còn chia cho cả hàng xóm.

17 năm nay, bố mẹ chồng không một lời phàn nàn trách móc về cô con dâu vô tích sự như tôi, ngược lại còn chăm lo như con gái trong nhà. Các em chồng thì bù trì cho tôi hết mức về vật chất. Thế nên, tôi không thể không có mặt trong bức ảnh đại gia đình chồng. 

Với tôi, đây không chỉ là bức ảnh thông thường mà là kỉ vật lưu giữ mãi hình ảnh ngôi nhà ấm áp nhất trên thế gian này. Mỗi lần về nhà chồng là một lần tôi về với nơi yêu thương không nói được thành lời.

Nhà là nơi đầy ắp tình cảm yêu thương gia đình, là nơi bất cứ ai đi đâu cũng muốn quay về. Bởi nơi đó có bố, có mẹ, có những người ruột thịt, là người yêu thương ta vô điều kiện. Báo VietNamNet mở diễn đàn Về nhà.

Mời độc giả gửi tâm sự, câu chuyện của mình về địa chỉ: Bandoisong@vietnamnet.vn