Sang phiên chiều 13/12, áp lực bán giảm trong khi đó sức cầu cổ phiếu gia tăng theo đà mua mạnh lên của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều cổ phiếu đảo chiều từ màu đỏ trong buổi sáng sang xanh hoặc/và tím (tăng trần) vào cuối phiên.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản cuối phiên 13/12 tăng hết biên độ cho phép như: Chứng khoán VNDirect (VND), Chứng khoán CTS, Bất động sản Đất Xanh (DXG)...
Một số mã bất động sản từ giảm mạnh/giảm sàn chuyển sang tăng giá ấn tượng như: Phát Đạt (PDR), Novaland (NVL), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE)...
Chỉ số VN-Index tăng 15,38 điểm lên 1.047,45 điểm. HNX-Index tăng 1,45%. Thanh khoản đạt 14.800 tỷ đồng, trong đó có 13.042 tỷ đồng trên HOSE.
Thị trường chứng khoán đảo chiều tăng mạnh sau khi có thông tin Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 153 năm 2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị hoãn áp dụng nhiều quy định nhằm gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp vốn ghi nhận khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu. Bộ Tài chính trình Chính phủ hoãn thực hiện quy định tại Nghị định số 65 về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm. Bộ Tài chính cũng đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc tại Nghị định số 65.
Cùng với đó, cơ quan này trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn; thời gian gia hạn tối đa là 2 năm. Việc cho phép gia hạn này, về mặt tổng thể thị trường cũng sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024
Trước đó, ở phiên sáng, trong khi các nhà đầu tư trong nước thận trọng, khối ngoại đẩy mạnh mua vào sau một phiên chùng lại trước đó.
Mở cửa phiên giao dịch 13/12, nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán khá mạnh, trong đó có một số cổ phiếu bất động sản mới quay đầu hồi phục vài phiên trước như: Bất động sản Phát Đạt (PDR), DIC Corp. (DIG), Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), NHA, Đất Xanh (DXG)…
Trong đó, nhiều mã giảm sàn như: Bất động sản Phát Đạt (PDR), DIC, NHA…
Novaland (NVL) sau khi mở cửa tăng trần sau đó cũng chịu áp lực bán mạnh và chỉ còn tăng nhẹ.
Thị trường ghi nhận sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng. Nhiều mã tăng giảm trái chiều.
Trong khi đó, nhóm thủy sản hầu hết tiếp tục đà tăng trong vài phiên vừa qua nhờ kỳ vọng sức cầu đối với các sản phẩm thủy sản của Trung Quốc gia tăng sau khi Bắc Kinh nới lỏng nhiều biện pháp chống dịch Covid-19.
Trong phần lớn buổi sáng 13/12, chỉ số VN-Index liên tục tăng giảm so với mức mở và không xác định xu hướng rõ ràng. Tới 10h47, chỉ số VN-Index tăng hơn 3 điểm lên trên 1.035 điểm. Nhiều cổ phiếu cũng biến động tăng lên rồi giảm xuống liên tục.
Chứng khoán chao đảo trong bối cảnh giới đầu tư đang ở trong một tuần đầy ắp sự kiện. Đêm nay ngày 13/12 khoảng 20h30 (giờ Việt Nam), Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là một tín hiệu rất quan trọng để Fed cân nhắc về lộ trình điều chỉnh lãi suất của 2023.
Các tổ chức lớn có dự báo trung bình lạm phát Mỹ ở mức 7,3% (Bloomberg dự báo 7,2%, Citi 7,2%, JP Morgan 7,3%, Scotiabank 7,4%...). Trong tháng 10, lạm phát Mỹ đứng ở mức 7,7% (so với cùng kỳ) và con số hồi tháng 6/2022 là 9,1%.
Ngày 14/12, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố lãi suất, nhiều khả năng tăng thêm 50 điểm phần trăm lên 4-4,5%/năm trước khi tăng thêm khoảng 2 lần, mỗi lần 25 điểm trong nửa đầu năm 2023.
Ngay sau khi Fed họp xong, nhiều ngân hàng trung ương lớn cũng sẽ họp và có thể tăng lãi suất như: NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Anh (BoE), Thuỵ Sĩ, Na Uy, Mexico...
Trong nước, giới đầu tư sẽ ghi nhận phiên đáo hạn phái sinh (15/12) và quỹ ETF cơ cấu (16/12).
Trong khi dòng tiền nội chùng xuống, các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua cổ phiếu Việt Nam ngay đầu giờ sáng với nhiều mã mua ròng mạnh như: Novaland (NVL), DIC Corp. (DIG), Kinh Bắc (KBC), Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán Bản Việt (VCI), Tôn Hoa Sen (HSG), Chứng khoán VNDirect (VND), Đất Xanh (DXG), Gelex (GEX), Ngân hàng SHB (SHB), Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT)…
Theo nhiều công ty chứng khoán, thị trường đang tìm kiếm điểm cân bằng quanh 1.020-1.030 điểm.
Chứng khoán VDSC cho rằng, mặc dù có trạng thái cân bằng từ cuối tuần trước, thị trường tiếp tục có dấu hiệu hụt hơi khi tăng điểm. Điều này cho thấy, dòng tiền còn thận trọng tại vùng giá cao, đồng thời áp lực chốt lời vẫn còn gây sức ép. Với động thái mất thăng bằng cuối phiên, có khả năng VN-Index sẽ lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.020 điểm để thăm dò dòng tiền hỗ trợ.