Trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, tỉnh Vĩnh Long đặt ra mục tiêu thiết lập mỗi xã, phường, thị trấn một hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông.
Thực hiện theo nguyên tắc chuyển đối mỗi năm từ 15 - 25% hệ thống truyền thanh cấp xã có dây/không dây FM của tỉnh, sang truyền thanh thông minh theo nguyên tắc chuyển đổi trước những đài hư hỏng, xuống cấp, hết khấu hao.
Nhằm phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở phục vụ công tác giảm nghèo thông tin, Vĩnh Long cũng đề ra các nội dung thiết lập ứng dụng trên thiết bị di động thông minh và sử dụng các loại hình thông tin mới hiện đại, kết hợp với các loại hình thông tin truyền thống để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân.
Các ứng dụng này được kết nối với hệ thống thông tin nguồn của tỉnh để cung cấp thông tin đến mọi người dân trên địa bàn tỉnh.
Ứng dụng cũng tăng khả năng tương tác, thu thập ý kiến phản hồi của người dân gửi đến cơ quan quản lý nhà nước để nắm bắt tâm tư của người dân.
Truyền thanh chuyển đổi số sẽ là cầu nối giữa các cấp chính quyền với người dân, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng khó khăn.
Ngoài ra, Vĩnh Long giao Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phát triển hệ thống phát thanh thông minh, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói, chuyển ngữ nội dung từ tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số phát lên hệ thống phát thanh cơ sở phục vụ đồng bào dân tộc trên địa bàn, không để xuất hiện vùng “lõm” thông tin.
Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở ở các huyện, thành phố trong toàn tỉnh.
Nội dung tập huấn tập trung các vấn đề nghiệp vụ truyền thông như biên tập, xử lý các văn bản, nguồn tin từ tỉnh, huyện để phổ biến tới người dân.