Việt Nam tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến nay đã gần ba thập niên. Có thể thấy, đây chính là quá trình cùng phấn đấu vì một Đông Nam Á hòa bình, hòa hiếu và thịnh vượng trong cộng đồng thế giới rộng lớn. Nhìn từ góc độ khác, ASEAN lớn mạnh gắn liền với Việt Nam và Việt Nam phát triển có hình ảnh của ASEAN.

W-anhminhhoa-1.png

Tổng kết hợp tác ASEAN, sự tham gia của Việt Nam trong năm 2023, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định ASEAN tiếp tục có một năm 2023 thành công với nhiều dấu ấn nổi bật.

Trong kết quả chung của ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, hoàn thành tốt các nghĩa vụ thành viên trong triển khai các kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng; chủ trì nhiều sáng kiến, hoạt động, và đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách như Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quản lý Thiên tai ASEAN, Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN về giáo dục, Hội nghị Quan chức Cao cấp về phúc lợi xã hội và phát triển, đồng chủ trì Nhóm Công tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng về gìn giữ hòa bình….

Nhiều ý tưởng của Việt Nam như Bộ Chỉ số phát triển bền vững doanh nghiệp đã được lan tỏa, trở thành dự án chung của ASEAN.

Cũng tại cuộc họp, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao và là Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN đã cập nhật thông tin cho các bộ, ngành về việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 59-KL/TW ngày 8/8/2023 về định hướng tham gia ASEAN của Việt Nam đến năm 2030. Đây là văn bản chỉ đạo toàn diện đầu tiên của Bộ Chính trị về sự tham gia của Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 nhằm thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của ASEAN, định hướng nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEAN, bảo đảm tham gia ASEAN mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, địa phương và doanh nghiệp.

Nhiều nhóm giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ, trong đó có việc rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao cơ chế phối hợp liên bộ, ngành, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các bộ phận phụ trách ASEAN tại các bộ, ngành. Trên cơ sở đó, cuộc họp nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Quy chế 142 về hoạt động và phối hợp giữa các cơ quan tham gia ASEAN trên cơ sở tiếp nối và phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Các đại biểu đã trao đổi sâu rộng về các định hướng, ưu tiên, trọng tâm tham gia ASEAN trong năm 2024, nhất trí tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm trong tham gia hợp tác ASEAN, phối hợp và hỗ trợ ủng hộ Lào với vai trò Chủ tịch trong năm ASEAN 2024 với chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường", đóng góp xây dựng các Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, tiếp tục lồng ghép và thúc đẩy các vấn đề thuộc ưu tiên và quan tâm của ta.

Nhóm PV