31 tỉnh, thành phố tổ chức diễn đàn trẻ em cấp tỉnh 

Các cơ quan, bộ, ngành đã triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em: Tập huấn, nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em ở cơ sở; lực lượng công an không để các vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện mà không xử lý; toà án đã giải quyết, xét xử 98,5% vụ án liên quan đến xâm hại người dưới 18 tuổi; nhiều trường hợp trẻ em bị mua bán, bạo lực được chăm sóc, trợ giúp, bảo vệ…

Công tác truyền thông về trẻ em đã có nhiều đổi mới, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, hướng dẫn cha mẹ cách ứng xử với con cái.

Bộ Y tế từng bước triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ; tham gia xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liên thông thủ tục hành chính về khai sinh, khai tử và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

W-anhminhhoa-2.png

Đáng chú ý, năm 2023 có 31 tỉnh, thành phố tổ chức diễn đàn trẻ em cấp tỉnh (khoảng 4.700 lượt trẻ em tham gia), 212 diễn đàn trẻ em cấp huyện (hơn 32.000 lượt trẻ em tham gia), 673 diễn dàn trẻ em cấp xã (hơn 77.000 lượt trẻ em tham gia). Bên cạnh đó, phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất đã được tổ chức, cùng với đó là 33 kỳ họp hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 282 kỳ họp hội đồng trẻ em cấp huyện.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn tiếp tục được quan tâm với hơn 6,4 triệu lượt trẻ em được hỗ trợ trên 1.646 tỷ đồng. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã trao học bổng, quà tặng cho gần 15.000 em với số tiền trị giá 1,15 tỷ đồng.

Tổ chức phối hợp liên ngành về công tác trẻ em được hình thành ở 3 cấp tỉnh, huyện xã, với hơn 15.000 người, phần lớn là kiêm nhiệm, cùng hơn 93.000 cộng tác viên cơ sở.

Toàn quốc đã thực hiện 8.145 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em (tăng 774 cuộc so với năm 2022). Bộ TT&TT tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội (Facebook, TikTok…) để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đăng tải hình ảnh, nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em hoặc xâm hại trẻ em.

Năm 2023, Cục Trẻ em đã khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong công tác hoàn thiện cơ sở dữ liệu về trẻ em, phối hợp với Cục C06, A06, A05 - Bộ Công an, Trung tâm công nghệ thông tin của Bộ và địa phương triển khai kết nối cơ sở dữ liệu trẻ em vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đến nay, đã hoàn tất việc bổ sung căn cước công dân cho hơn 17 triệu cơ sở dữ liệu trẻ em và thực hiện xong việc làm giàu khoảng hơn 5 triệu dữ liệu trẻ em đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư). Quản trị kỹ thuật hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em, hướng dẫn các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em thực hiện Đề án 06 (thành lập nhóm cán bộ chuyên trách thường trực quản lý nhập liệu trẻ em trực tuyến của 63 tỉnh, thành phố trên ứng dụng zalo,tích hợp các nội dung cảnh báo lỗi trên file Excel, các video hướng dẫn xử lý kỹ thuật trong quá trình nhập liệu; hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến cho cơ sở trong quá trình duy trì cập nhật, chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em; hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện công tác nhập liệu trẻ em thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 2513/LĐTBXH-TTTT)....

Đồng thời, công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp được tăng cường.

Tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em

Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh nước ta phải chịu sự tác động nặng nề và và hậu quả lâu dài của dịch bệnh COVID-19. Cục Trẻ em đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 đề ra phải quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về trẻ em đã được quy định trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 23/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 07/01/2021.

Với mục tiêu tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền trẻ em. Cục Trẻ em sẽ tiếp tục chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tăng số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, bảo vệ; kiểm soát và giảm số lượng trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích trên tất cả loại hình tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông, cháy nổ. Tăng cường việc phòng ngừa và bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại; bảo vệ tính mạng và sức khỏe của trẻ em. Đồng thời, tăng cường phân bổ nguồn lực địa phương (ngân sách và nhân lực) cho việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em.

Nhóm PV