Bà T.T.N (60 tuổi) được phát hiện và điều trị đái tháo đường khoảng 4 tháng qua. Do ở một mình, bà N. không có người hỗ trợ chăm sóc và thường ra tiệm thuốc tây để đo đường huyết. Thời gian gần đây, chỉ số đường huyết của bà có khi tăng cao, có khi lại xuống thấp không rõ nguyên nhân khiến bà hết sức lo lắng.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Viết Thắng, Phó trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết trong máu. Cơ chế của đái tháo đường là do cơ thể thiếu hụt insulin hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
Các loại bệnh đái tháo đường khác nhau sẽ có những yếu tố nguy cơ khác nhau, từ yếu tố di truyền, tuổi tác, lối sống, chế độ ăn đến tình trạng sức khỏe. Do đó, việc hiểu về các yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường sẽ giúp chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Với trường hợp của bà N., bác sĩ cho biết trong bệnh đái tháo đường, việc theo dõi đường huyết liên tục chính là yếu tố then chốt giúp người bệnh chủ động trong việc kiểm soát bệnh, làm giảm các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Hiện nay, sự phát triển công nghệ có thể giúp người bệnh nắm rõ thông tin về tình trạng đường huyết, hướng dẫn chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc hiệu quả, đồng thời hỗ trợ bác sĩ đánh giá liệu pháp điều trị tốt hơn.
Do đó, mới đây, trong chương trình tư vấn “Nhận biết sớm nguy cơ đái tháo đường và ứng dụng công nghệ kiểm soát đường huyết phòng ngừa biến chứng” do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức, bác sĩ Trần Viết Thắng đã hướng dẫn về thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM) và ghi chú theo dõi đường huyết trên ứng dụng riêng của Bệnh viện đến người bệnh.
Cũng tại chương trình này, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ trong quá trình điều trị và chăm sóc người bệnh, các bác sĩ nhận thấy được những khó khăn, gánh nặng do biến chứng đái tháo đường gây ra.
Với sự phát triển của công nghệ số, bên cạnh hướng dẫn người bệnh đái tháo đường kỹ thuật tiêm insulin tại nhà, các bác sĩ kỳ vọng các công nghệ tiên tiến sẽ hỗ trợ trong kiểm soát đường huyết, ứng dụng theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc đúng cách, giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các bác sĩ cũng lưu ý nhiều người bệnh đái tháo đường cần sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, nếu tiêm insulin không đúng kỹ thuật sẽ gây một số biến chứng cho người bệnh. Ví dụ như người bệnh chỉ nên sử dụng kim bút tiêm 1 lần, tránh tái sử dụng quá nhiều để giảm bị đau cũng như hạn chế nguy cơ hình thành loạn dưỡng mô mỡ nơi tiêm.
Khi chỉ định cho người bệnh tự tiêm insulin tại nhà, các bác sĩ, điều dưỡng đều hướng dẫn chi tiết cho người bệnh về kỹ thuật tiêm và cách bảo quản. Người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn và tái khám đều đặn, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, vận động hợp lý. Khi được tiêm insulin đúng cách, người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, tối ưu hóa hiệu quả điều trị, phòng ngừa các biến chứng.
Theo Bộ Y tế, hiện có hơn 2,5 triệu người Việt mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện. Bệnh lý này là nguyên nhân ra hàng triệu ca tử vong, chủ yếu thông qua làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Ở nhiều quốc gia, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và cắt cụt chi.
Trong khi đó, 70% ca đái tháo đường type 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi thực hiện lối sống khỏe mạnh như không hút thuốc, hạn chế tối đa rượu bia, tích cực rèn luyện thể lực, khẩu phần ăn hợp lý. Sàng lọc để được chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường cũng là cách quản lý bệnh hiệu quả.