1. Triều đại nhà Trần bắt đầu từ vị vua nào?

  • Trần Nhân Tông
  • Trần Thái Tông
  • Trần Thánh Tông
  • Trần Anh Tông
Chính xác

Triều đại nhà Trần bắt đầu khi vua Trần Thái Tông lên ngôi vào tháng 12/1225, sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Lý, tồn tại trong vòng 175 năm và trải qua 12 đời vua.

Là vị vua đầu tiên của nhà Trần, vua Trần Thái Tông được đánh giá nhân hậu, là người đã đặt nền móng cho một triều đại lừng lẫy trong lịch sử.

Khi tại vị, ông từng trực tiếp cầm quân và đại thắng trong kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất. Ông cũng khuyến khích nông dân khai hoang, chăm lo việc trị thủy, theo đuổi chính sách khoan thư sức dân. Những chính sách này đã thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống nhân dân ấm no.

2. Vị vua nào từng nhận cống phẩm là một con kiến?

  • Trần Dụ Tông
  • Trần Duệ Tông
  • Trần Minh Tông
  • Trần Nhân Tông
Chính xác

Thông thường, vật dùng để dâng cống lên vua đều là những đồ quý báu. Tuy nhiên, thời vua Trần Dụ Tông, có lần ông nhận được đồ cống của người Chiêm Thành, trong đó có một con kiến.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 3/1352, Chế Mỗ nước Chiêm Thành chạy sang ta, dâng voi trắng, ngựa trắng mỗi thứ một con và một con kiến lớn (dài 1 thước 9 tấc) cùng các cống vật, xin nước ta đem quân đánh Trà Hòa Bố Để mà lập y làm quốc vương”.

3. Vì sao vị vua này khiến đất nước suýt rơi vào tay kẻ khác?

  • Vì mất cảnh giác với kẻ thù
  • Vì mê uống rượu, đánh bạc
  • Vì nhu nhược để quyền lực rơi vào tay đại thần
  • Vì không được lòng dân
Chính xác

Dưới sự lãnh đạo của vua tôi nhà Trần, quân dân Đại Việt đã 3 lần đánh bại giặc Nguyên - Mông, đất nước thời gian dài hưng thịnh. Tuy nhiên, đến đời vua Trần Dụ Tông (1336-1369), triều Trần bắt đầu suy yếu.

Ông là hoàng đế thứ 7 của triều đại nhà Trần. Vua Trần Dụ Tông và vua tiền nhiệm Trần Hiến Tông đều là con của thượng hoàng Trần Minh Tông.

Năm 26 tuổi, vua Trần Dụ Tông bắt đầu ăn chơi. Ông cho đào hồ trong cung để thả cá mua vui. Không những vậy, ông còn cho gọi các nhà giàu trong nước vào cung đánh bạc, sai các Vương hầu và Công chúa bày tiệc đóng trò hát tuồng cho vui, ai diễn hay thì được thưởng.

Sử gia Phan Phu Tiên nhận xét: “Luật pháp nhà Trần nghiêm cấm đánh bạc thế mà đến đời Dụ Tông lại công nhiên làm bậy, gọi những người giàu vào cung đánh bạc, rồi sau người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối cùng vì tệ đánh bạc mà rồi mất nước”.

4. Vua nào triều Trần được gọi là Phật hoàng?

  • Trần Thánh Tông
  • Trần Thái Tông
  • Trần Minh Tông
  • Trần Nhân Tông
Chính xác

Sau khi đuổi sạch giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi Đại Việt, năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng.

Đến năm 1299, ông xuất gia, lên tu ở chùa Yên Tử (Quảng Ninh), lấy pháp hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, thu hút được nhiều đệ tử. Ông trở thành thủy tổ của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, được người đời suy tôn là Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Cuốn Vương triều Lý - Trần với kinh đô Thăng Long ghi: “Xét trên bình diện triết học, Trần Nhân Tông có một vị trí quan trọng, ông là một triết gia lớn của Phật học Việt Nam”.

Năm 1308, Trần Nhân Tông qua đời tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử.

5. Đâu là vị vua cuối cùng của nhà Trần?

  • Trần Nghệ Tông
  • Trần Duệ Tông
  • Trần Thuận Tông
  • Trần Thiếu Đế
Chính xác

Trần Thiếu Đế là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Trần. Ông là con trưởng của vua Trần Thuận Tông và hoàng hậu Lê Thánh Ngâu, con gái lớn của Hồ Quý Ly. Trần Thiếu Đế lên ngôi năm 1398, khi mới 2 tuổi, trẻ nhất trong các vua nhà Trần và cũng tại vị ít nhất, chỉ trong 2 năm.

Thiếu Đế tuy gọi là Hoàng đế nhưng chỉ là hư vị. Sau khi Thiếu Đế lên ngôi, Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại vương. Tình hình Đại Việt lúc này càng thêm hỗn loạn.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngày 28/2/1400, Quý Ly ép Thiếu Đế phải nhường ngôi và buộc người tôn thất, các quan 3 lần dâng biểu khuyên mới chịu nhận làm vua. Quý Ly lên ngôi đặt niên hiệu Thánh Nguyên, quốc hiệu Đại Ngu, lại đổi lại họ cũ của mình là họ Lê thành họ Hồ.

Thiếu Đế bị phế nhưng vì là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết, chỉ bị giáng xuống làm Bảo Ninh Đại vương. Triều đại nhà Trần kết thúc vào năm 1400, sau 175 trị vì với 12 đời vua.