Đơn vị đề xuất ý tưởng nói trên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE). Từ tháng 9/2020, JVE đã trình UBND TP.Hà Nội như là một ý tưởng cái tạo dòng sông Tô Lịch vốn đang là một “dòng sông chết”, bị ô nhiễm và đang thực hiện chức năng tiếp nhận các nguồn thải sinh hoạt từ các quận nội thành mà dòng sông đi qua.
Trong 3 hợp phần mà JVE đề xuất (gồm tuyến cao tốc ngầm; các bể chứa nước – thoát nước – không gian văn hoá), các nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử đánh giá cao ý tưởng xây dựng không gian văn hoá – tâm linh bên trên bề mặt sông Tô Lịch, nhất là khi ý tưởng đề xuất tái hiện các hình ảnh tiêu biểu của các triều đại/thời đại theo chiều dài lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, trong quần thể “dòng sông lịch sử” này, có một phần diện tích dành để xây dựng “Không gian văn hóa Nhật Bản” và được gọi tên là “Công viên Hữu nghị Việt-Nhật”.
Giải thích lý do xây dựng “Công viên Hữu nghị Việt – Nhật” và không gian văn hoá Nhật Bản trên sông Tô, trong thông cáo báo chí phát đi, JVE cho biết: công trình này nhằm tôn vinh tình hữu nghị hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Theo đó, ngày 21/9/1973, hai nước đã chính thức ký Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày nay, Việt Nam và Nhật Bản là những người bạn, đối tác thân thiết, tin cậy trên nhiều lĩnh vực.
Nhật Bản luôn giữ vững vị trí là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong 30 năm qua, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã hỗ trợ các Dự án của Việt Nam thông qua hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) góp phần rất quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội và đổi mới của Việt Nam.
Theo Chủ tịch HĐQT JVE Group Nguyễn Tuấn Anh, để hướng tới hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023), và mong muốn trong tương lai có một không gian đậm chất văn hóa Nhật Bản cùng những phù điêu, tranh ảnh – ghi lại những dấu mốc trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tại khu vực đầu nguồn thuộc Thời đại Hồ Chí Minh, dự án đề xuất dự kiến xây dựng Không gian văn hóa Nhật Bản mang đậm nét Tình hữu nghị Việt-Nhật tạo nên không gian “Công viên Hữu nghị Việt - Nhật”.
Khu Tranh ảnh sẽ tái dựng hình ảnh liên quan các dấu mốc kỷ niệm 5,10,15.... 45 năm quan hệ ngoại giao Nhật Việt từ 21/9/1973 đến nay; Hình ảnh ngoại giao nhân dân; Hình ảnh các Lễ hội hoa Festival Anh đào tổ chức hàng năm tại Việt Nam từ lần đầu tiên cho đến nay; hình ảnh các Dự án hạ tầng cốt yếu của Việt Nam (Cầu Nhật Tân, Sân bay Nội Bài, Metro Bến Thành - Suối Tiên...) sử dụng nguồn vốn ưu đãi ODA của Nhật Bản.
Khu Thực thể tái hiện mô hình Chùa vàng Kinkakuji; mô hình Cổng trời Torii tại đền Itsukushima, Miyajima. Đây là những di sản văn hóa thế giới nổi tiếng của Nhật Bản được UNESCO công nhận.
Khu vườn Nhật Bản, hồ cá Koi với cây cầu gỗ màu đỏ, suối và hồ cá Koi, vườn thiền, đèn đá, tùng la hán, chòi gỗ ngồi uống trà... tái hiện tại khu không gian văn hóa Nhật Bản đồng thời khai thác dịch vụ cho thuê áo Kimono, Yukata Nam, Nữ để du khách “check in” như đang du lịch tại Nhật Bản.
Mô hình thực thể Chùa Cầu Hội An (Cầu Nhật Bản); Khu Tượng đài; Khu văn bia…
JVE cho biết sẽ xin ý kiến Hội đồng thẩm định quốc gia về việc dựng tượng đài những vĩ nhân có đóng góp lớn cho mối quan hệ hữu nghị Việt – Nhật; các văn bia đá ngàn năm ghi nhớ công đức của các vĩ nhân, danh nhân đã đóng góp lớn vào mối quan hệ hữu nghị Việt-Nhật…
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ: là người dân sống liền kề với sông Tô, từ lâu, ông mong mỏi một dự án thực sự để cải tạo dòng sông chết thành một địa chỉ văn hoá – tâm linh, tái hiện lại lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc mà con sông vừa là một thực thể, vừa như là một “nhân chứng”.
“Hàng ngày đi qua con sông Tô, làm sao để có thể hít thở không khí trong lành chứ không phải chứng kiến hiện trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay. Khi nghe nói về dự án này, tôi ở khu tập thể gần sông, tôi rất mừng” – GS Đặng Huy Huỳnh cho biết.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ (Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường) đánh giá: kết quả sơ bộ bước đầu, có thể sử dụng công nghệ cho nên lớp bùn đáy đã có kết quả giảm từ 40 – 50%, đó là tiền đề để chúng ta tiếp tục thực hiện công nghệ này nhằm cải tạo sông Tô Lịch”.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, các đề xuất, giải pháp cải tạo sông Tô Lịch là những nội dung rất cần được nghiên cứu trong quá trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô tới đây.
Ông đề nghị, JVE tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất cải tạo sông Tô Lịch để làm cơ sở lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.