Theo Reuters, nếu không có sự đồng ý đặc biệt, các thành phố có dân số dưới 3 triệu người ở Trung Quốc sẽ không được xây dựng những tòa nhà chọc trời cao hơn 150m, còn các thành phố có dân số đông hơn không được xây dựng các tòa nhà cao hơn 250m. Đây là thông tin được Bộ Nhà ở, Phát triển đô thị, nông thôn Trung Quốc cho biết hôm 27/10.
Những tòa nhà cao ốc hiện đại ở Trung Quốc (Ảnh BBC) |
Quy định này còn nghiêm ngặt hơn lệnh cấm xây các tòa nhà cao hơn 500m trên cả nước Trung Quốc đã được ban hành trước đây. Bộ Nhà ở, Phát triển đô thị, Nông thôn Trung Quốc cho hay, các quan chức phê duyệt dự án vi phạm quy tắc mới sẽ phải "chịu trách nhiệm cả đời". Điều đó có nghĩa là quan chức vi phạm sẽ phải chịu bất cứ hình phạt nào được đưa ra trong tương lai.
Trung Quốc có một số tòa nhà cao nhất thế giới gồm Tháp Thượng Hải 632m, Trung tâm tài chính Ping An 599,1m ở Thâm Quyến.
Trung Quốc thừa nhận các tòa nhà cao tầng thúc đẩy sử dụng nhiều hơn tài nguyên đất, song người ta lo ngại các quan chức địa phương theo đuổi việc xây dựng các tòa nhà chọc trời mà quên đi tính thực tiễn và an toàn.
Cách đây không lâu, tòa tháp 356m cao 71 tầng ở thành phố Thâm Quyến liên tục rung lắc làm dấy lên lo ngại về độ an toàn. Các cuộc điều tra phát hiện nguyên nhân do một cột cao hơn 50m trên đỉnh tòa nhà đã bị tác động của gió.
Sau khi sự việc xảy ra, hồi tháng 7, Trung Quốc đưa ra lệnh cấm trên toàn quốc về việc xây các tòa nhà cao hơn 500m. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng phải kiểm tra các tòa nhà chọc trời hiện có, kiểm tra móng, cấu trúc công trình, điện, nguồn cung cấp nước và khí đốt, vật liệu xây dựng, khả năng chống động đất và phòng cháy. Mặt khác, các thành phố cũng được yêu cầu cần kiểm soát chặt việc xây dựng các tòa nhà trên địa bàn nhạy cảm về sinh thái hay hành lang thông gió của đô thị.
Quỳnh Hương (Theo Reuters)
Choáng ngợp với gần nghìn khối bê tông trái phép sừng sững mọc trên núi
Cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm biệt thự, chung cư mọc lên trên một ngọn núi - vùng đất vốn có cây trồng xanh tươi.