Trong cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, hàng nghìn trường học bị ảnh hưởng. Riêng tại Hà Nội đến ngày 12/9 có 236 trường ngập trong nước, chủ yếu ở các huyện ngoại thành thuộc khu vực sông Đáy, ven sông Hồng.
Tại Thái Nguyên, toàn thành phố có 144 trường trong đó 44% thiệt hại nặng hoặc ngập sâu trong nước. Sau khi nước rút, toàn ngành giáo dục của thành phố đã tập trung dọn dẹp lại trường lớp để đón học sinh quay trở lại lớp học.
Trong đợt bão, lũ vừa qua, Yên Bái đã có 2 giáo viên và 9 học sinh tử vong, 80 trường bị ngập lụt, ảnh hưởng trong đó nhiều nhất là ở TP Yên Bái với 21 trường. 59 trường bị sạt ta luy, đổ tường rào, hư hỏng công trình, tập trung ở các huyện Trạm Tấu, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái.
Lào Cai hiện còn 77 trường và điểm trường bị ảnh hưởng sau bão chưa thể phục vụ cho công tác giảng dạy. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tập trung khắc phục hậu quả sau thiên tai đón học sinh trở lại trường sớm nhất.
Các cơ sở giáo dục tại đây đã liên hệ với ngành y tế để tiến hành vệ sinh môi trường lớp học theo đúng quy định của Cục Môi trường, Bộ Y tế đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường học.
Ngành giáo dục tỉnh Lào Cai cũng tập trung rà soát lại các trường, điểm trường có nguy cơ sạt lở, lũ quét, tập trung nguồn lực tiếp hành sửa chữa các điểm trường bị hư hỏng.
Ngoài thiệt hại về người và cơ sở vật chất, sau bão lũ các chuyên gia cảnh báo nguy cơ dịch bệnh trường học rất lớn do ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng (Hà Nội), cho biết các vấn đề nguy cơ dịch bệnh sau đợt thiên tai vừa qua hiện hữu do vi khuẩn, virus phát triển, việc sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn dẫn tới các bệnh tiêu hóa tăng lên.
Theo bác sĩ Hoàng, các nguy cơ sức khỏe cho học sinh bao gồm dịch bệnh đau mắt đỏ, ngộ độc thực phẩm, thương hàn, bệnh da liễu. Nếu trường, lớp có trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm sau mưa bão, học sinh cần nghỉ học tránh lây lan cho các bạn khác.
Nhiều trường không có nước sạch sinh hoạt, trong lớp chật hẹp cũng là điều kiện dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, cơ sở giáo dục cần đảm bảo đúng vệ sinh sạch sẽ trường lớp, thau rửa bể nước, sân trường, bàn ghế, tường trong phòng học. Nấu nước sôi để cho học sinh uống, thực hiện nghiêm chỉnh an toàn thực phẩm, đảm bảo thức ăn chín.
Thầy cô giáo và phụ huynh chuẩn bị thêm quần áo cho học sinh. Tuyên truyền vận động học sinh đề phòng tai nạn thương tích trong trường học, tránh xa các khu vực thiếu an toàn, nơi có nguy cơ đuối nước, có cành cây gãy, điện giật.
Ngày 10/9, công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Khắc phục hậu quả sau bão số 3 Yagi đã yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra những cơ sở giáo dục gần sông, suối, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất và ngừng cho học sinh đến trường nếu thiếu an toàn.
Các nhà trường phối hợp với cơ quan y tế để khử trùng làm vệ sinh trường lớp, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão, đảm bảo điều kiện an toàn, sức khỏe cho học sinh khi quay lại trường học.
Ngoài khắc phục sự cố môi trường, ngành giáo dục các địa phương thiệt hại sau mưa lũ nên tập trung sửa chữa cơ sở hạ tầng. Tổ chức hỗ trợ tâm lý cho giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng sau bão, lũ và đặc biệt gia đình có thiệt hại về người và tài sản.