Thị trường tài chính trước thách thức mới

Những năm qua, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam tăng khá nhanh. Các định chế tài chính tại Việt Nam tăng quy mô bình quân gần 14%/năm (11 năm qua). Tổng tài sản của 4 ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam đạt 315 tỷ USD năm 2022, tương đương 79% GDP. Tuy nhiên, các định chế tài chính lớn nhất Việt Nam vẫn còn nhỏ so với khu vực, chưa có ngân hàng thương mại lớn nào trong top 100 ngân hàng thương mại lớn nhất Châu Á – Thái Bình Dương năm 2021.

Việc quản trị doanh nghiệp trong các định chế tài chính có nhiều tiến triển, giảm mạnh sở hữu chéo, ngày càng công khai, minh bạch.

Tín dụng chính sách chủ yếu được cung cấp bởi Ngân hàng Chính sách Xã hội - VBSP và Ngân hàng Phát triển Việt Nam – VDB; chiếm khoảng 2,35% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (tháng 12/2022). Các gói tín dụng hỗ trợ như cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở (2013 - 2016), gói cho vay phát triển thủy sản (theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP), cho vay thu mua cà phê, thóc gạo, cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, cho vay nhà ở xã hội, v.v...

Hệ thống tài chính ngày càng hoàn thiện. 

Các cơ quan quản lý đã chủ động, linh hoạt, sử dụng nhiều công cụ cả trực tiếp và gián tiếp để quản lý, giám sát hệ thống tài chính. Phương thức quản lý và giám sát cũng đã có nhiều cải thiện, hướng đến giám sát theo rủi ro, giám sát từ xa nhiều hơn. Nhờ đó, hệ thống tài chính Việt Nam đi vào hoạt động dần ổn định lành mạnh và hiệu quả hơn, không để xảy ra đổ vỡ hệ thống hoặc rủi ro lan truyền.

Việt Nam cũng đã dần hình thành được mạng lưới an toàn hệ thống tài chính-tiền tệ (financial safety net) nhằm tăng năng lực phòng, chống rủi ro (cả nội tại và bên ngoài).

Theo chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, khuôn khổ pháp lý chi phối lĩnh vực tài chính-ngân hàng ngày càng hoàn thiện, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển ổn định, bền vững của hệ thống.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc khi thực thi Nghị quyết 42 của Quốc Hội (thủ tục rút gọn, thu giữ tài sản đảm bảo, thuế và phí liên quan, xét xử và thi hành án…).

Ngoài ra, Luật Ngân hàng Nhà nước (2010), Luật các Tổ chức tín dụng (2010, 2017), Luật Bảo hiểm tiền gửi (2012), Luật chứng khoán (2019) đã bộc lộ một số bất cập trong bối cảnh mới.

Đến nay, vẫn chưa có khung pháp lý đối với tập đoàn tài chính, ngân hàng đầu tư và một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ (cho vay ngang hàng, Fintech, huy động vốn cộng đồng, tiền kỹ thuật số,….).

Cần hoàn thiện chính sách

TS Cấn Văn Lực cho rằng cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý; trong đó, cần tập trung luật hóa xử lý nợ xấu, sửa đổi luật Chứng khoán (2019), luật Ngân hàng Nhà nước (2010), luật các Tổ chức tín dụng (2010, 2017), luật Bảo hiểm tiền gửi (2012); các nghị định, thông tư không còn phù hợp và trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, cần bổ sung mô hình, cơ chế, qui định để quản lý, giám sát tập đoàn tài chính, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ (cho vay ngang hàng, Fintech, huy động vốn cộng đồng,…); Có chính sách khuyến khích, thúc đẩy quản lý và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức tài chính mới như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ mạo hiểm…

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế nhằm đảm bảo tách biệt thực chất, hiệu quả giữa chức năng sở hữu và quản lý đối với các định chế tài chính và thị trường tài chính. Theo đó, thực hiện cơ chế một cửa nằm trong cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng chịu sự quản lý; Làm rõ và tăng cường vai trò của người đại diện chủ sở hữu, đại diện Nhà nước và Ủy viên HĐQT độc lập tại các định chế tài chính.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần phải nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách. Theo đó, tách bạch chức năng sở hữu và quản lý, nghiên cứu mô hình quản lý, giám sát ngân hàng chính sách phù hợp; Xây dựng và thực hiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng chính sách; tách bạch nhiệm vụ chính trị và hoạt động thương mại…

Ngọc Cương và nhóm PV, BTV