Từ năm 2023 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã nhận nhiều người dân các xã miền núi, biên giới huyện Quảng Ninh làm nhân viên bảo vệ rừng. Nhờ có công việc ổn định, thu nhập khá nên nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, một số hộ đã thoát nghèo

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh đang quản lý, bảo vệ trên 52.000ha rừng. Do diện tích bảo vệ lớn, lực lượng bảo vệ rừng mỏng nên trước đây rừng vẫn còn bị xâm hại.

Thời gian vừa qua, đơn vị đã khoán trên 13.000ha rừng cho 47 hộ dân trên địa bàn quản lý, bảo vệ. Để bảo vệ rừng, mỗi hộ gia đình cử một người trực tiếp về ăn, ở làm việc tại các trạm, tổ lưu động của Ban quản lý, bình quân mỗi hộ nhận được 8 triệu đồng/tháng.

images799289_a2.jpg
Lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh cùng người dân trong một chuyến tuần tra rừng

 “47 nhân viên bảo vệ rừng con em đồng bào dân tộc thiểu số có lợi thế là hiểu ngôn ngữ, văn hóa bản địa, thông thạo địa hình rừng núi, có sức khỏe tốt, quen sống trong rừng. Việc “tuyển” con em vào làm lực lượng bảo vệ rừng sẽ tạo được việc làm ổn định, phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi nhận thức bảo vệ rừng cũng như góp phần giảm nghèo cho đồng bào”, ông Đỗ Minh Cừ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh cho biết.

Hiện 47 nhân viên bảo vệ rừng được đơn vị phân công về các trạm, tổ cơ động để cùng lực lượng bảo vệ rừng chính quy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Hướng dẫn những kỹ năng cơ bản như: Soạn thảo, xử lý các văn bản, sử dụng máy định vị, kỹ năng giao tiếp để tuyên truyền và một số nghiệp vụ liên quan đến công tác bảo vệ rừng…

Anh Hồ Văn Biên (SN 1986), ở bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh trước đây mưu sinh bằng nhiều công việc nhung cuộc sống vẫn rất khó khăn. Tháng 6/2023, anh được nhận vào làm nhân viên bảo vệ rừng tại Trạm bảo vệ rừng số 2, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh.

Sau khi được nhận vào đơn vị, anh cùng lực lượng bảo vệ rừng chính quy tuyên truyền, vận động bà con trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng, nắm bắt thông tin liên quan đến rừng để báo lại cho đơn vị.

“Công việc này cho thu nhập khá nên hiện cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả nhiều rồi, với mức thu nhập duy trì như vậy, tôi sẽ tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo”, anh Biên nói.

Ngoài anh Biên, gia đình anh còn có thêm 2 người anh, em trai của anh được vào làm nhân viên bảo vệ rừng. Hàng ngày, anh cùng các lực lượng bảo vệ rừng thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt trên 3.580ha rừng thuộc 7 tiểu khu. 

Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 2 Trần Minh Luyến thông tin: “Trạm có 6 người thì 3 nhân viên bảo vệ rừng là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài việc tuần tra, kiểm soát rừng trong địa phận, các nhân viên còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nên nhận thức bảo vệ rừng của bà con được nâng lên rõ rệt. Nhờ được tăng cường thêm lực lượng nên từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn trạm quản lý không xảy ra vụ cháy rừng, phá rừng”.

Tương tự, anh Hồ San (SN 1991) ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân cũng được nhận vào “công tác” tại Tổ cơ động số 2 (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh) vào tháng 6/2023.

Sau khi nhận nhiệm vụ, anh cùng lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị tích cực tuần tra, kiểm soát trên địa bàn. Anh còn đến từng nhà trong bản để tuyên truyền, vận động bà con không phá, lấn chiếm đất rừng, chuyển đổi ngành nghề hoặc xuất khẩu lao động để cải thiện đời sống. 

“Từ khi được bổ sung thêm lực lượng bảo vệ rừng là người dân bản địa, công tác bảo vệ rừng của đơn vị đỡ vất vả hơn. Công tác tuyên truyền ngày càng hiệu quả nên tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng giảm hẳn. Hiện, các nhân viên bảo vệ rừng của đơn vị có 27 gia đình thoát nghèo, số còn lại cũng đang được ban vận động viết đơn thoát nghèo trong thời gian tới”, Ông Đỗ Minh Cừ nói thêm.