Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, có tình trạng làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Điều đó dẫn đến tuổi thọ của các dự án luật ngày càng ‘trẻ hóa’. Một số dự án luật mới ban hành 2 - 3 năm lại sửa đổi, bổ sung.
Sáng 23/5, thảo luận tại hội trường Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, việc lập chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao, quá trình tham gia thẩm tra đề nghị xây dựng luật của các cơ quan của Quốc hội ngày càng được tăng cường…
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định chương trình xây dựng pháp luật còn lớn. Do đó, đại biểu đề nghị các cơ quan quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn.
“Điều này, một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh chương trình nhằm hoàn thiện thể chế. Nhưng mặt khác, việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo chưa cao”, ông Phạm Trọng Nghĩa nói.
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị các cơ quan quan tâm hơn công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn; đồng thời, có giải pháp quyết liệt hơn để sớm đưa các dự án còn lại theo kế hoạch.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu rõ phương châm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội là chủ động từ sớm, từ xa nhưng trong thực tế đang còn nhiều bất cập.
Theo vị đại biểu đoàn Quảng Trị, có tình trạng làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Điều đó dẫn đến tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được ‘trẻ hóa’. Một số dự án luật mới ban hành 2 - 3 năm lại sửa đổi, bổ sung.
“Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, yêu cầu phải được mổ xẻ, làm rõ, có giải pháp khắc phục dứt điểm, không né tránh, không nể nang”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.
Còn theo đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), hoạt động lập pháp vẫn còn có những hạn chế nhất định. Điển hình trong đó là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh.
Theo đại biểu đoàn Cà Mau, việc thay đổi thường xuyên với chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Bên cạnh đó, chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật. Ngoài ra, còn có tình trạng trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ và đặc biệt là quá trình xây dựng chương trình luật pháp lệnh còn cài cắm lợi ích.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ nên tập trung vào kiểm soát thủ tục, trình tự của các hồ sơ sự thảo luật, thay vì can dự sâu vào nội dung của dự thảo luật.
Ông Lê Thanh Vân cho biết, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, khi nào Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh, các nghị quyết chứa đựng quy phạm pháp luật, khi đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới thực hiện quyền ủy nhiệm luật pháp; còn giai đoạn soạn thảo, chủ yếu là cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
Xây dựng hành lang pháp lý về trí tuệ nhân tạo
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), bên cạnh những cơ hội chưa từng có, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo (AI) tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, có thể gây ra những hậu quả khó lường và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người.
“Trên thế giới, mặc dù chưa ban hành được khuôn khổ pháp lý chung toàn cầu nhưng một số khu vực và nhiều quốc gia đã thông qua quy định để tạo hành lang pháp lý nhằm đưa sự phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi đúng hướng. Việc này vừa phát huy sự sáng tạo, vừa phòng ngừa, kiểm soát và hạn chế rủi ro”, đại biểu Nghĩa nói.
Do đó, đại biểu đề xuất Quốc hội xem xét sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp lệnh để ban hành luật hoặc nghị quyết quy định về trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy việc nghiên cứu, sử dụng nhằm tối đa lợi ích đem lại và kiểm soát rủi ro trong quá trình phát triển của trí tuệ nhân tạo.
Đại biểu cũng đề nghị quy định về địa vị pháp lý; quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng các thiết bị thông minh như rô bốt, xe tự hành, thiết bị bay không người lái.