Sáng nay (27/9), HĐND TPHCM khai mạc kỳ họp thứ 18, kỳ họp chuyên đề nhằm thông qua một số tờ trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Một trong những tờ trình quan trọng được xem xét thông qua tại kỳ họp lần này là “Đề án thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TPHCM”.
Đây là đề án nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính với những giải pháp thiết thực, cụ thể, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công tác cải cách hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số; thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Theo UBND TP, Trung tâm phục vụ hành chính công là cơ quan chuyên trách về tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) phù hợp với xu hướng quốc tế, khu vực, trong nước, hướng đến là mô hình cải tiến toàn diện trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình đang được triển khai tại các tỉnh, thành trong cả nước
Khi trung tâm đi vào hoạt động, thành phố sẽ giảm số lượng bộ phận một cửa, góp phần tối ưu hóa nguồn lực, cải thiện chất lượng dịch vụ, tinh gọn bộ máy…
UBND TPHCM đánh giá, việc thành lập trung tâm này sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho thành phố.
Cụ thể, trung tâm giữ vai trò điều phối chung, là công cụ hiệu quả để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP; góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình bộ phận một cửa truyền thống; tháo gỡ các điểm nghẽn và giải quyết tình trạng ách tắc trong giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực như đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng,...
Đặc biệt, trung tâm đi vào hoạt động sẽ tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính; sử dụng thống nhất các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ, cơ sở dữ liệu dùng chung để tránh lãng phí.
Thực hiện hiệu quả việc số hóa, khai thác, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, hồ sơ tiếp nhận được số hóa trước khi giải quyết, hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được lưu trữ và có giá trị tái sử dụng; không yêu cầu khai, nộp những thông tin, giấy tờ cơ quan nhà nước đã có và quản lý ở dạng điện tử.
Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC, trong đó 100% hồ sơ TTHC đều được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các bộ phận một cửa thống nhất, đồng bộ.
Ba chức năng của Trung tâm hành chính công
Cũng theo UBND TP, Trung tâm phục vụ hành chính công có 3 chức năng chính.
Cụ thể, trung tâm sẽ tham mưu, giúp UBND TP về kiểm soát TTHC; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của địa phương.
Thứ hai là hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện TTHC; tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND các cấp, cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, cấp huyện, các chi nhánh được tổ chức theo hệ thống ngành dọc trên địa bàn; những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành được tổ chức tiếp nhận tại thành phố và các hồ sơ dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích đóng trên địa bàn và các nhiệm vụ được triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định;
Chức năng thứ ba là theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công.
Theo kế hoạch, UBND TP sẽ ra mắt Trung tâm hành chính công và đi vào hoạt động từ đầu tháng 10 tới đây. Thời gian thí điểm trung tâm từ 1/10/2024 đến 31/12/2026.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, tại Kỳ họp chuyên đề này, HĐND TP sẽ thảo luận, quyết định 28 nội dung liên quan tới ba lĩnh vực chính Một là, nghị quyết liên quan đến lĩnh vực Pháp chế về việc thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn theo cơ chế một cửa, một liên thông. Hai là nghị quyết liên quan lĩnh vực đô thị quy định vùng được nuôi chim yến. Ba là các nghị quyết về kinh tế - ngân sách, như Quy định về mức hỗ trợ đặc thù chi hoạt động thường xuyên cho ngành kiểm sát nhân dân thành phố, ngành tòa án nhân dân thành phố, ngành thi hành án dân sự thành phố và sở ngoại vụ; Quy định tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đơn vị có số thu lớn do Sở Y tế TPHCM quản lý; về điều chỉnh dự toán chi thường xuyên năm 2024; về điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; về điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công. |