LTS: Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), Báo VietNamNet giới thiệu bài viết của tác giả Dương Kỳ Anh về một thời tác nghiệp lửa đạn, hy sinh, đổ máu, nhưng những người làm báo chân chính luôn mang trong mình tinh thần: “Tất cả vì sự thật, tất cả cho sự thật”.
Tờ báo nhiều lần bị đe dọa, nhưng chính Tổng biên tập Charbonnier đã tuyên bố: “Tôi thà chết đứng, còn hơn sống quỳ”.
Câu nói nổi tiếng của ông đã thực sự lay động hàng triệu người trên thế giới về lòng quyết tâm, sự dũng cảm của những người làm báo chân chính.
Trong chiến tranh chống thực dân, phát xít, nhiều nhà báo đã bị giết hại, bị cầm tù.
Bây giờ, vì sự thật, vì chân lý nhiều nhà báo trên thế giới cũng đã bị sát hại, bởi bàn tay của IS, của những nhóm cực đoan, của các thế lực bạo ngược.
Ở Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc, thực dân, nhiều nhà báo đã dũng cảm ra chiến trường, nhiều người đã hy sinh.
Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã nằm lại ở vùng đất lửa, Nguyễn Trọng Định, Lê Anh Xuân và nhiều phóng viên chiến trường đã không tiếc máu xương của mình vì độc lập, thống nhất tổ quốc.
Tiinh thần dũng cảm, dám hy sinh vì lẽ phải, vì chân lý, vì sự thật đã lay động những người làm báo chân chính hiện nay.
Tôi còn nhớ lần nhà báo Nhật Takano Isao đã hy sinh ở biên giới phía Bắc năm 1979. Lần đó, tôi cũng là phóng viên của báo Tiền Phong thường trú ở Lạng Sơn.
Tôi và một số nhà báo đi cùng xe với những anh bộ đội trẻ tiến vào Lạng Sơn. Nửa bên kia cầu Kỳ Lừa của thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố) lúc đó đang bị quân xâm lược chiếm giữ.
Chúng tôi nấp sau những mỏm đá nhìn những bức tường gạch đổ ngổn ngang từ những ngôi nhà dân do chúng đặt mìn phá tan hoang. Chúng bắn như vãi đạn về phía chúng tôi.
Người chỉ huy đơn vị bộ đội đưa chúng tôi đi hô: “Nằm xuống, tất cả nằm xuống”. Chúng tôi nằm bẹp xuống sau những tảng đá còn Takano Isao vẫn đứng quay phim.
Một loạt đạn của kẻ thù từ phía bên kia cầu Kỳ Lừa bắn sang. Takano Isao ngã xuống. Anh đã hy sinh dũng cảm vì Tổ quốc Việt Nam, vì chân lý, vì lẽ phải, vì sự thật, vì những thước phim còn dính máu để cho cả thế giới biết sự thật về cuộc chiến.
Sau đó mấy ngày, nhà thơ Huy Cận đã có bài thơ ngợi ca tinh thần dũng cảm của anh đăng trên báo Nhân Dân. Trong đó, có câu thơ làm tôi nhớ mãi: “Tay cầm máy, anh còn ghi nắng chiều”.
Quả thực, đó là một buổi chiều nắng vàng, nhưng ở vùng biên này nắng đã nhuộm máu đỏ của nhà báo Takano Isao, của những chiến sĩ Việt Nam dũng cảm.
Tôi đã viết nhiều bài báo những ngày thường trú ở Lạng Sơn và một tập truyện ngắn, tập “Bài phóng sự” về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới lần đó.
Mới hôm kia, tôi ngồi nói chuyện với nhà báo, nhà thơ Phan Cung Việt, cựu phóng viên báo Tiền phong. Anh nhớ tới những ngày làm báo ở chiến trường, ngồi viết trong tiếng gầm rú của máy bay B52, của những đợt pháo kích liên hồi vào thành cổ Quảng Trị.
Nhà báo Phan Cung Việt kể rằng, những bài viết trong mưa bom của anh đã được gửi ra tòa soạn bằng cách chuyền tay qua những người chiến sĩ, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt như vậy mà không bao giờ thất lạc.
Và, tôi thiển nghĩ rằng, những người làm báo chân chính luôn mang trong mình tinh thần: “Tất cả vì sự thật, tất cả cho sự thật”… Bởi nhân cách của những con người dũng cảm là “Thà chết đứng còn hơn sống".
Dương Kỳ Anh