Chống thiên tai luôn là một cuộc chiến hết sức gay go, gian khổ

Việt Nam là đất nước chịu nhiều thiên tai, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa.” Nhiều thiên tai lịch sử xảy ra gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Thiên tai đã khiến nhiều người chết, mất tích và GDP mất đi.

Hẳn nhiều người còn nhớ, ngày 3/8/2019, tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa xảy ra trận lũ quét kinh hoàng làm 12 người dân chết và mất tích, hơn 20 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi. Nguyên nhân của trận lũ quét được xác định là do ảnh hưởng của bão số 3 năm 2019, mưa to liên tục ở thượng lưu. Nước mưa đã tạo nên dòng chảy mạnh, cuốn theo những cây gỗ to làm tắc nghẽn dòng suối Son, đoạn cách phía trên bản Sa Ná khoảng 2,4 km. Sau đó, dòng chảy với lưu tốc lớn đã làm vỡ điểm tắc nghẽn ở suối Son, tạo nên một đợt sóng lũ, tốc độ rất lớn mang theo cây to chảy về hạ lưu, cuốn trôi bản Sa Ná.

Hội An ngập sâu sau bão Noru, cuối tháng 9/2022

Mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL đã xảy ra hạn mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, ranh giới độ mặn 4gam/lít đã làm 42,5% diện tích tự nhiên của toàn vùng bị ảnh hưởng, tương đương 1.688.600ha, cao hơn năm 2016 là 50.376ha. Cà Mau là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với 16.500ha/176.700ha diện tích gieo trồng trong vụ mùa bị ảnh hưởng, trong đó diện tích bị thiệt hại trắng từ 70% trở lên là 14.000ha. Đối với vụ đông xuân 2019-2020, ở ĐBSCL có sáu tỉnh (Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An và Cà Mau) bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn với tổng diện tích khoảng 41.900ha, trong đó, có 26.000ha thiệt hại mất trắng và Trà Vinh là tỉnh có diện tích thiệt hại nhiều nhất với 14.300ha.

Trên cây ăn trái, hạn và xâm nhập mặn đã làm khoảng 6.650ha tại sáu tỉnh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng) thiếu nước tưới, giảm năng suất, khoảng 355ha bị thiệt hại mất trắng. Hạn, xâm nhập mặn đã làm 1.241ha cây màu tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau thiếu nước tưới, trong đó có 541ha bị thiệt hại mất trắng. Nuôi trồng thủy sản tại Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau cũng bị thiệt hại hơn 8.715ha, trong đó nghề nuôi cá truyền thống thiệt hại 1.234ha, nuôi tôm nước lợ 4.811ha.

Hạn, xâm nhập mặn cũng đã làm cho khoảng 96.000 hộ, tương đương khoảng 430.000 nhân khẩu đang sinh sống tập trung tại bảy tỉnh ven biển (Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, trong đó có 20.600 hộ thuộc vùng cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 75.400 hộ thuộc vùng cấp nước hộ gia đình. Nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt mùa khô năm năm nay là do nguồn nước tại các công trình cấp nước tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre bị cạn kiệt vì xâm nhập mặn vào sâu. Nguồn nước mặt tại các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Cà Mau và Bạc Liêu bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm suy giảm.

....V.v....

Điểm lại vài ví dụ đó để thấy công tác phòng, chống thiên tai luôn là một cuộc chiến hết sức gay go, gian khổ và để chống lại "thứ giặc ghê gớm” đó, cần đặc biệt quan tâm vấn đề phòng, chống thiên tai.

Chống "giặc thiên tai": Công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi

Bác Hồ từng nói, thiên tai là một loại giặc, giặc "tiên phong của đói và nghèo”. Nhìn lại hành trình xây dựng và bảo vệ đất nước, có thể thấy, ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác phòng, chống thiên tai là một cuộc chiến hết sức gay go, gian khổ và để chống lại "thứ giặc ghê gớm” đó, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm vấn đề phòng, chống thiên tai.

Tại Việt Nam, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. 

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá.

Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo điều hành được kịp thời, chính xác và hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, trong hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, tinh thần "thuận thiên" đang từng bước mang lại những kết quả khả quan cho ĐBSCL. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chúng ta đã từng bước “biến nguy thành cơ” để phát triển. Tại hội nghị đầu tiên về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán về việc phát triển trên tinh thần tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.

Trở thành Trung tâm khu vực của dự án SeAFFGS

Vấn đề thiên tai, môi trường không phải câu chuyện của riêng một quốc gia mà đây là vấn đề rất lớn, cần sự chủ động chung tay, tiếp sức của các quốc gia, các khu vực trên thế giới.

Trước thực trạng thiệt hại về người và tài sản ngày càng gia tăng, thảm khốc do sự xuất hiện của các hiểm họa khí tượng thủy văn, Đại hội Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) lần thứ 15 đã thông qua Nghị quyết 21 (Cg-XV) về nâng cao năng lực của các Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NMHS). 

Nghị quyết nhằm hỗ trợ các trung tâm khí tượng thuỷ văn các quốc gia cùng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ kịp thời, chính xác hơn trong dự báo và cảnh báo lũ lụt; hợp tác với các nhà quản lý thiên tai, tích cực trong việc chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp lũ lụt, thông qua Sáng kiến ​​Dự báo Lũ lụt (FFI). Nghị quyết cũng thông qua việc triển khai Hệ thống Hỗ trợ cảnh báo lũ quét (FFGS) với Dự án Bao phủ toàn cầu.

Cuộc họp lên kế hoạch ban đầu của Hệ thống Hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SeAFFGS) được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam, từ ngày 20-23/11 năm 2017, với sự tham dự của đại diện Cơ quan Khí tượng Thủy văn Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCNDL), Thái Lan và Việt Nam. 

Tất cả những thành viên tham gia đều ủng hộ đề nghị Việt Nam trở thành Trung tâm khu vực của dự án SeAFFGS, có vai trò quan trọng trong các hoạt động chung của dự án SeAFFGS vì dự án cho phép các NMHS tham gia cung cấp các dự báo và cảnh báo kịp thời, chính xác về các hiểm họa khí tượng thủy văn, đặc biệt là lũ lụt.

SeAFFGS được phát triển trong khuôn khổ dự án “Xây dựng khả năng ứng phó với các sự kiện khí tượng thủy văn có tác động lớn thông qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm các thảm họa (MHEWS) ở các quốc đảo đang phát triển (SIDS) và Đông Nam Á (SEA)”, do Chính phủ Canada tài trợ (Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada - ECCC), được phát động vào ngày 28 tháng 6 năm 2022, tại Việt Nam, Hà Nội. Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam (VNMHA) sẽ là Trung tâm Khu vực SeAFFGS.

Trước đó, ngày 28/6, Việt Nam đã tiếp nhận “Hệ thống hướng dẫn cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á” với tổng kinh phí 1,3 triệu USD và đảm nhiệm vai trò Trung tâm Vùng trong công tác dự báo sạt lở, lũ quét.

Với vai trò Trung tâm Vùng, Việt Nam sẽ quản lý 2 máy chủ đặt tại Tổng cục KTTV, cung cấp thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực duy trì đường truyền, dữ liệu, bảo trì, vận hành hệ thống để cung cấp dữ liệu và trao đổi cho các Trung tâm KTTV tại khu vực Đông Nam Á, chịu trách nhiệm phối hợp với các nước thành viên trong khai thác và sử dụng các sản phẩm của SEAFFGS nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở.

Thu Hằng, Minh Hưng, Lê  Thúy