Ngô Xuân Bính bên 1 tác phẩm. 

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thốt lên: "Bất ngờ kinh ngạc đến lạc lối trước nghệ thuật của Ngô Xuân Bính. Gần bốn tháng trôi qua, thụ cảm ám ảnh cứ bùng nổ khi ban đầu chỉ là tình cờ cùng bạn đến thăm xưởng vẽ của Bính… La liệt tranh sơn mài cỡ lớn chồng xếp, la liệt phác thảo và tác phẩm điêu khắc… Không còn đủ chỗ tiến lùi, không còn khoảng trống xê dịch. Âm hưởng phiêu diêu, siêu thoát, phun trào không thể cưỡng nổi, hiểu nổi, thật khó giải thích, thật khó diễn tả bằng ngôn từ… 

Tôi chỉ biết bất ngờ kinh ngạc! Kinh ngạc bất ngờ bởi cảm xúc tinh khôi mới lạ, hồn hậu, sinh thực, viên mãn vô thường ập đến. Bính phóng khoáng, hào sảng. Bính tự do, trí tuệ. Bính hồn hậu, phồn sinh. Bính thiên cảm, nhân ái. Trí tưởng tượng dị thường áp ngột cảm xúc thiên phú trời ban. Ân tình và ngôn ngữ biểu đạt tác phẩm không giống ai, bởi Bính vẽ, Bính nặn và Bính tạc không từ cái nhìn thấy mà bằng nội lực trong óc, trong tủy. Hành pháp sống còn lao động như điên, như dại miền vô thức thiêu đốt hoang vu thiên lạc đẹp khó hiểu mê hồn. Tôi ngỡ ngàng kinh dị trước cơ man tác phẩm của ông: nhà họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà bác học".

Hình ảnh tại triển lãm 'Ego-Người'. 

Để hiểu và cảm nhận các tác phẩm hội họa và điêu khắc của Ngô Xuân Bính, trước tiên cần phải hiểu về con người ông. Đó là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình được sáng tạo từ đôi mắt của một họa sĩ và nhà điêu khắc yêu quê hương đất nước đến cháy bỏng, từ trái tim nhân hậu của một bác sĩ, từ đôi tay đầy nội lực của võ sư sáng lập ra môn phái võ Nhất Nam, từ tâm hồn bay bổng nhạy cảm của một thi sĩ say đắm với ngôn ngữ mẹ đẻ, từ trí tuệ mẫn tiệp của một giáo sư viện sĩ đầy tài năng luôn mong muốn được cống hiến. 

Năm 1982, khi mới 26 tuổi sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Ngô Xuân Bính đã viết và xuất bản 5 tập sách Nhất Nam căn bản - môn phái võ do ông sáng lập. Bộ sách sau đó giành giải Sách thể thao giá trị nhất và hay nhất tại triển lãm sách quốc tế tại Ba Lan năm 1988. Khi xem các bộ sách Y học ông viết, có thể thấy cả một trí tuệ nghiên cứu nghiêm túc cao siêu, kết quả của nhiều năm dày công nghiên cứu và thực hành.  

Năm 2006, họa sĩ Ngô Xuân Bính đoạt giải ARTIADA dành cho những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất tại Liên hoan Nghệ thuật tổng hợp Quốc tế lần thứ 7 tại Mátxcơva. Ông đã tổ chức 2 triển lãm tranh cá nhân ở Minsk và 3 triển lãm tranh cá nhân ở Mátxcơva. Tiếp theo hai triển lãm hoành tráng Du và Dội năm 2017, triển lãm Niệm năm 2019, mới đây ông tiếp tục ra mắt triển lãm Ego-Người tại Bảo tàng Hà Nội, mở cửa đến tháng 3/2023. Triển lãm giới thiệu hơn 300 bức tranh sơn mài, sơn dầu và hơn 100 tượng điêu khắc cỡ lớn với các chất liệu như đồng, đá, gỗ, kết hợp giữa chất liệu truyền thống và đương đại. 

Để đánh giá đầy đủ về nghệ thuật Ngô Xuân Bính có lẽ chính là lời nhận xét của Nguyên Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft: "Có người từng nói cảm hứng đúng thật tồn tại, nhưng nó phải thấy được sự cần cù ở nơi bạn. Ở nghệ sĩ Ngô Xuân Bính, cảm hứng đã tìm thấy được một đối tác tâm đầu ý hợp. Rất hiếm để tìm thấy một bộ sưu tập nghệ thuật sâu sắc và ý nghĩa có quy mô như của nghệ sĩ Bính.

Và khi tận mắt chứng kiến các tác phẩm của ông, người ta có thể cảm nhận được niềm đam mê và nghị lực của một con người luôn để dòng cảm hứng tuôn chảy trong mình mà không hề do dự. Điều đó cũng nói lên quy mô tiềm năng sáng tạo được tìm thấy nơi đây và cũng là một lý do thuyết phục khác để nhân đôi nỗ lực thúc đẩy và khuyến khích nghệ thuật ở Việt Nam. Vâng, không chỉ vì lợi ích của một quốc gia mà của toàn cầu".

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy