Homeschooling (tự học ở nhà) là một mô hình học tập khá phổ biến ở các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Australia, Canada… và được pháp luật bảo hộ.

Ở nước ta, dẫu homeschooling chưa được pháp luật công nhận nhưng cách đây khoảng 6 năm đã khuấy động một làn sóng tranh luận sôi nổi khắp các diễn đàn khi thông tin về hai cậu bé ở TP.HCM bỏ việc học trường phổ thông và tự học tại nhà.

Ông bố từng là một giảng viên đã quyết định cho hai con nghỉ học sau những áp lực học tập ở trường. Chương trình học quá tải, sắp xếp thời khóa biểu bất hợp lý... là những lý do dẫn đến một quyết định mang tính đột phá của phụ huynh.

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Thú thật, người ta nói nhiều, than thở mãi và phàn nàn không dứt về tình trạng kiến thức quá tải, lối học và thi nặng về hình thức, áp lực điểm số và thi cử cũng như xu hướng giáo dục “cào bằng” năng lực, cá tính của cá nhân.

Nhưng sau những ngày “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, phải chăng lựa chọn tối ưu của gia đình nhỏ ấy là sự bất lực và phản kháng mạnh mẽ trước những bất cập, hạn chế, tiêu cực vẫn luôn là “góc khuất” trong môi trường giáo dục? 

Nhiều người ngợi ca không dứt vị phụ huynh dũng cảm khước từ trường phổ thông - mô hình học tập tồn tại duy nhất ở nước ta. Nhiều người vội vàng bỏ một phiếu ủng hộ trong cuộc thăm dò về mô hình homeschooling.

Nhiều người nhanh chóng quy chụp trường phổ thông yếu kém trong phương pháp giảng dạy và đầy rẫy những tiêu cực… Tôi mong muốn mọi người bình tĩnh nhìn nhận và soi xét một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, không phải mọi gia đình ở nước ta đều có thể thực hiện mô hình homeschooling bởi nó đòi hỏi nền tảng về kinh tế, kiến thức, thời gian của cha mẹ cũng như năng lực và tinh thần tự giác cao của con cái. 

Để có thể tự dạy con ở nhà, cha mẹ phải có năng lực tài chính vững vàng, vốn kiến thức sâu rộng, khả năng sư phạm tốt. Họ làm được điều đó bởi cả hai vợ chồng đều là giảng viên và người chồng phải nghỉ việc để tập trung thời gian ổn định việc học ở nhà cho con.

Thứ hai, mỗi mô hình giáo dục đều có điểm mạnh và yếu. Homeschooling có thể giúp người học tiết kiệm thời gian, thoải mái lựa chọn phương pháp học hợp lý, phát huy được năng lực của người học cũng như tránh các rủi ro về xung đột, mâu thuẫn, tiêu cực trong các mỗi quan hệ. 

Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất của mô hình học tập này chính là thu hẹp môi trường giao tiếp, hạn chế cơ hội hình thành các kỹ năng mềm như hợp tác nhóm, giải quyết và điều tiết các mối quan hệ xã hội theo hướng tích cực, xây dựng và giữ gìn tình cảm thầy trò, tình bạn bè… Điều này chỉ có trường phổ thông mới làm được.

Ai cũng biết rằng, sự phát triển của mỗi cá nhân không chỉ đơn thuần là kiến thức mà còn là tính cách, kỹ năng. Trường học chính là nơi giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tâm hồn. Trường học sẽ vun đắp và ươm mầm hạt giống tri thức, nhân cách con người. Trường học là môi trường lý tưởng nhất giúp trẻ trải nghiệm các hoạt động tập thể, ngoại khóa và hình thành kỹ năng sống. 

Thứ ba, xin đừng phủ nhận và gạt bỏ mọi đóng góp, nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà trường phổ thông. Bất cập, tiêu cực thật sự đang tồn tại như những nốt lặng đáng buồn của ngành giáo dục nhưng cái xấu vẫn chỉ là thiểu số, là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Những thành tựu nổi bật về đào tạo con người của hệ thống giáo dục nước ta rất đáng tự hào. Lớp lớp thế hệ công dân vừa hồng vừa chuyên đang miệt mài dựng xây đất nước, được khai sinh từ một môi trường học đường vững tri thức, giàu yêu thương. Bao học sinh ưu tú được gọi tên trong các đấu trường quốc tế, đem vinh quang về cho đất nước đều bước ra từ mái trường phổ thông. 

Chúng ta không thiếu những ngôi trường phổ thông danh tiếng - cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ con người. Chúng ta có quá nhiều những người thầy chân chính, nhiệt tâm, hết lòng vì học sinh…

Dẫu vậy, việc một gia đình quyết định chọn lựa homeschooling làm mô hình học tập cho con cái cũng là một tiếng chuông báo động cho ngành giáo dục. Cơ hội để ngành giáo dục tự nhìn nhận lại mình và đổi thay đã đến.

Để tạo được niềm tin trong lòng phụ huynh, hệ thống giáo dục ở trường phổ thông không thể khư khư giữ những điều cũ, lạc hậu. Một sự chuyển mình mạnh mẽ, tích cực chính là điều cả xã hội đang mong chờ vào công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Độc giả Thanh Ny (Thừa Thiên Huế)

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Quý độc giả có thể chia sẻ ý kiến ở phần bình luận dưới bài hoặc gửi email về Bangiaoduc@vietnamnet.vn.