Thủ đô Hà Nội đang thực hiện các bước để sáp nhập hơn 170 xã, phường. Vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm là việc đặt tên xã, phường mới như thế nào để phù hợp với truyền thống, văn hóa, đồng thời không gây ra rắc rối về giấy tờ.
Theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2023-2025, TP Hà Nội có hơn 170 xã, phương của 26 quận, huyện thuộc diện phải sáp nhập do không đáp ứng tiêu chí về diện tích, dân số.
Đến nay, 26 quận, huyện của TP Hà Nội đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri và được HĐND các địa phương thống nhất phương án sắp xếp và tên gọi các xã, phường sau sáp nhập. Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, tên đơn vị hành chính mới được lựa chọn dựa trên yếu tố truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.
Tuy nhiên, thực tế tại một số xã, phường, việc chọn tên cho đơn vị hành chính mới đang theo kiểu ‘dàn hàng ngang’. Cụ thể như, 3 xã Cao Thành, Sơn Công và Đồng Tiến của huyện Ứng Hòa sáp nhập với nhau thành xã Cao Sơn Tiến. Xã Cao Dương và Xuân Dương của huyện Thanh Oai sáp nhập với nhau thành xã Cao Xuân Dương.
Một số xã, phường lấy tên gọi mới theo kiểu ‘giữ nguyên tất cả’ - tên các đơn vị hành chính cũ gộp với nhau thành tên mới.
Cụ thể, phường Quốc Tử Giám và phường Văn Miếu của quận Đống Đa sáp nhập với nhau thành phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Lý do là cả 2 phường đều có yếu tố đặc thù là phường trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Trên địa bàn phường cùng có cụm di tích quốc gia đặc biệt là khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Một phần phường Trung Tự vào phường Phương Liên của quận Đống Đa sáp nhập với nhau thành phường Phương Liên - Trung Tự. Lý do là Phương Liên có di tích lịch sử đền Kim Liên, còn Trung Tự vốn là làng cổ hình thành từ làng Trung Tự và một phần đất của làng Khương Thượng cổ.
Có lẽ, việc lấy tên đơn vị hành chính mới như trên sẽ được lòng cử tri và hài hòa mọi yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống. Đặc biệt, khi người dân nơi nào cũng muốn giữ nguyên tên gọi đã thân thuộc với mình hoặc chí ít là ‘một góc nhỏ’ của tên xã, phường cũ thì với cách làm như trên sẽ làm hài hòa tất cả.
Tuy nhiên, nếu sáp nhập như vậy thì về cơ bản là tên gọi của xã, phường cũ đã thay đổi. Tất cả người dân ở đơn vị hành chính mới đều phải đổi giấy tờ. Dù sau này, cán bộ chuyên môn của TP Hà Nội có xuống tận thôn, tổ dân phố đổi giấy tờ miễn phí cho dân thì những thủ tục hành chính vẫn gây ra những khó khăn nhất định cho họ.
Trao đổi đổi với PV VietNamNet, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên đơn vị hành chính mới không nên làm theo kiểu ‘dàn hàng ngang’ - nhặt tên mỗi xã, phường cũ một chữ rồi ghép lại với nhau thành tên mới.
“Cách làm này sẽ dẫn tới những cái tên khó hiểu, không gắn với truyền thống, văn hóa, phong tục của địa phương”, ông Sơn nói.
Thực tế, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc đặt tên mới sau sáp nhập phản ánh đúng lịch sử và văn hóa là một điều rất khó và phụ thuộc vào từng địa phương. Do vậy, ông cho rằng, để có được một cái tên cho đơn vị hành chính mới, ngoài việc lấy ý kiến cử tri, cơ quan chức năng của xã, phường và ngay cả quận, huyện cần thành lập hội đồng gồm các nhà khoa học, lịch sử cùng cho ý kiến.
“Tôi cho rằng, việc tham vấn cộng đồng và các bên liên quan khi đề xuất và quyết định tên gọi mới là một phương pháp rất quan trọng để bảo đảm tính minh bạch trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng việc sử dụng lại tên gọi này không gây ra rắc rối giấy tờ cho người dân.