Xuất bản, chỉnh sửa hay hoàn thiện các tác phẩm dang dở của tác giả quá cố có thể trái với ý muốn của họ và xâm phạm quyền riêng tư.
Nhà văn, đạo diễn George A. Romero. Ảnh: Deadline. |
Những tranh cãi xoay quanh việc hoàn thiện và xuất bản tác phẩm sau khi tác giả qua đời là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Một số ý kiến cho rằng việc tác phẩm gốc bởi người khác có thể làm mất đi phong cách và giọng điệu đặc trưng của tác giả đầu tiên.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu tác phẩm cuối cùng có phản ánh đúng ý định và tài năng của tác giả ban đầu hay không. Dù không ai có thể đưa ra một câu trả lời xác đáng cho thắc mắc trên nhưng các ấn phẩm được khai quật lại đều được cộng đồng văn học hưởng ứng rất tốt.
Tôn vinh di sản của tác giả
Sự ra mắt của tiểu thuyết Pay the Piper vào ngày 9/3 đã thu hút sự chú ý của cộng đồng văn học, không chỉ vì tên tuổi của tác giả Daniel Kraus mà còn vì lịch sử đằng sau cuốn sách này.
Ông Kraus đã tìm thấy bản thảo dang dở của đạo diễn George A. Romero tại Bộ sưu tập Lưu trữ George A. Romero của Đại học Pittsburgh vào năm 2019. Sau khi đọc hết 384 trang viết còn dang dở, ông Kraus đã nhận ra niềm vui của người bạn Romero khi thực hiện tác phẩm này và cảm thấy rằng việc xuất bản sẽ cho thế giới thấy khả năng thực sự của Romero, vượt ra khỏi những bộ phim về zombie mà ông nổi tiếng.
Tuy không có bất kỳ ghi chú nào được để lại, ông Kraus đã dùng trí tưởng tượng của mình để hoàn thiện tác phẩm, cảm thấy rằng việc này sẽ giúp tôn vinh di sản của đạo diễn Romero.
Nhà văn, đạo diễn George A. Romero (bên trái) và nhà văn Daniel Kraus (bên phải). Ảnh: EW. |
Không chỉ Pay the Piper, nhà văn Daniel Kraus còn hoàn thành tác phẩm The Living Dead sau khi Romero qua đời năm 2017. Tác giả Kraus thừa nhận rằng việc này không chỉ đơn giản là ghép các đoạn viết lại với nhau mà cần phải thêm nhiều yếu tố từ trí tưởng tượng của chính mình, do đó, tác phẩm nên được xem là sản phẩm chung của Romero và Kraus.
Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu một tác phẩm được hoàn thành sau khi tác giả qua đời có thật sự phản ánh đúng ý định ban đầu của họ hay không. Liệu việc gắn tên của đạo diễn Romero vào một tác phẩm mà ông chưa kịp hoàn thành có đúng đắn?
Sự thật là nếu tác phẩm thành công, người hoàn thiện sẽ không phải chịu sự phản đối nào. Thậm chí, họ còn được ủng hộ vì là người đã tham gia tạo nên cuốn sách thú vị. Cuốn tiểu thuyết I’ll Be Gone in the Dark là một ví dụ.
Sau khi hoàn thành được hai phần ba cuốn sách, tác giả Michelle McNamara qua đời. Cuốn sách sau đó được hoàn thành bởi nhà văn tội phạm Paul Haynes, nhà báo điều tra Bill Jensen và vợ của McNamara. Cuốn sách đã nhận được sự đánh giá cao của độc giả lẫn giới chuyên môn sau khi ra mắt.
“Thế giới sẽ nhớ điều gì nếu tác phẩm của một tác giả họ yêu mến không hoàn thành? Viết tiếp và hoàn thiện là quá trình tôn vinh di sản của một tác giả”, nhà văn Steph Auteri (tác giả cuốn A Dirty Word) cho biết.
Quyền riêng tư và di sản văn học
Câu chuyện về những tác phẩm được xuất bản sau khi tác giả qua đời không phải là hiếm. Ví dụ The Original of Laura của nhà văn Vladimir Nabokov.
Dù tác giả đã yêu cầu gia đình tiêu hủy, cuốn sách cuối cùng vẫn được xuất bản. Tương tự, các tác phẩm của nhà văn Emily Dickinson và Anais Nin cũng được công bố trái với mong muốn ban đầu của họ. Điều này đặt ra vấn đề về quyền riêng tư và di sản văn học.
Một số tác phẩm, như tập thơ Ariel của bà Sylvia Plath, bị thay đổi nhiều bởi những người thừa kế, làm dấy lên câu hỏi liệu những thay đổi này có phản ánh đúng ý định của tác giả hay không.
Nhà văn Vladimir Nabokov. Ảnh: Lithub. |
Sau khi Sylvia Plath qua đời vào năm 1963, tập thơ Ariel của bà đã được chồng cũ là ông Ted Hughes chỉnh sửa và xuất bản vào năm 1965. Những thay đổi mà ông Hughes thực hiện đã gây ra nhiều tranh cãi về tính toàn vẹn và ý định ban đầu của bà Plath.
Một trong những thay đổi lớn nhất mà Hughes thực hiện là thay đổi thứ tự các bài thơ trong tập. Nhà thơ Sylvia Plath đã sắp xếp các bài thơ theo một trình tự nhất định, tạo nên một câu chuyện và cảm xúc nhất quán. Tuy nhiên, người chồng đã thay đổi thứ tự này, làm mất đi cấu trúc ban đầu mà bà Plath đã dự định.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp việc xuất bản sau khi tác giả qua đời giúp khôi phục lại sự công bằng cho những tác phẩm bị từ chối khi tác giả còn sống, như Barracoon của nhà văn Zora Neale Hurston và Whatever Happened to Interracial Love? của tác giả Kathleen Collins. Những tác phẩm này đã góp phần làm sáng tỏ những khía cạnh lịch sử và xã hội quan trọng mà nếu không được xuất bản, sẽ bị lãng quên.
Việc xuất bản tác phẩm sau khi tác giả qua đời luôn mang lại những tranh cãi về quyền riêng tư và di sản văn học. Mặc dù nhiều tác phẩm được hoàn thiện và xuất bản với ý định tốt, nhưng vẫn tồn tại những lo ngại về việc liệu những tác phẩm này có phản ánh đúng ý định ban đầu của tác giả hay không. Trong bối cảnh này, việc ra mắt Pay the Piper cho thấy rằng dù có những tranh cãi, những tác phẩm như vậy vẫn thu hút sự quan tâm và đánh giá cao từ độc giả và cộng đồng văn học.
(Theo Znews)