Lấy chủ đề Nhớ thương Ví Giặm, chương trình khắc họa dấu ấn riêng biệt của Tố Nga qua những ca khúc lấy cảm hứng từ dân ca miền Trung.
Chương trình chia làm 3 chương, chương 1 và chương 3 là những câu chuyện xoay quanh Ví Giặm, với những ca khúc mang âm hưởng dân ca Ví Giặm đã làm nên tên tuổi NSƯT Tố Nga.
Trong tiết mục mở màn, Tố Nga thướt tha trong chiếc áo dài xanh nước biển, ngọt ngào hát Nhớ thương Ví Giặm - ca khúc chủ đề chương trình trên nền sân khấu tái hiện làng chài miền biển và ngay lập tức nhận những tràng vỗ tay vang dội.
Nữ ca sĩ chia sẻ: "Khi khi cất câu hát đầu tiên, tôi hồi tưởng câu chuyện từ tấm bé của mình bên bữa cơm gia đình, gió Lào cát trắng. Những điều đó nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Tôi yêu hát từ thủa nhỏ dù gia đình không ai theo nghệ thuật, thường trốn mẹ đi xem những đêm nhạc có các nghệ sĩ tên tuổi như Trung Đức, Thu Hiền và mơ ước lớn lên được đứng trên sân khấu".
Ngay sau đó Tố Nga đưa khán giả Về Hà Tĩnh mình ơi bằng giọng hát rất tình, tha thiết. Ở hai đầu nỗi nhớ, Điệu Ví Giặm là em, Mơ quê tiếp tục thấm vào lòng người nghe bằng tiếng hát mộc mạc không màu mè nhưng sâu sắc.
Đặc biệt, với Con đường âm nhạc, Tố Nga dành nhiều chia sẻ về nhạc sĩ An Thuyên, người đã định hướng chị theo dòng nhạc dân ca. "Với chuỗi hoạt động hơn 30 năm cùng dòng nhạc âm hưởng dân ca. Tố Nga mang ơn nhạc sĩ An Thuyên vì đã hướng dẫn Nga đi theo con đường này".
Để tưởng nhớ người thầy, Tố Nga hát lại Hà Tĩnh mình thương - ca khúc nổi tiếng của An Thuyên, giúp Tố Nga đoạt Huy chương vàng hội diễn và được trao danh hiệu NSƯT. Dù có nhiều bản phối mới nhưng Tố Nga nói với Giám đốc âm nhạc Quang Vinh cho chị hát lại bản phối cách đây hơn 20 năm chị từng hát với chính anh. Những da diết yêu thương miền quê Hà Tĩnh như dòng sông chảy tràn trong từng lời hát.
Chương 2 là những bài hát về tình mẹ, khắc họa một Tố Nga trong cuộc sống, luôn tìm niềm vui và chỗ dựa ở gia đình, con cái. Hà Nội đã thành quê hương thứ hai nên chị chọn Mùa xuân làng lúa làng hoa để ca ngợi mảnh đất này. Hoài cảm tiếp tục là một ca khúc dạt dào tình cảm về Hà Nội. Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Cung Tiến với lời ca đẹp cho thấy Tố Nga không chỉ là giọng ca hay về dân ca, hát hay nhạc trẻ mà còn dễ dàng chinh phục nhạc xưa.
Giám đốc âm nhạc Quang Vinh đã “cố tình” đưa khán giả rời những sông xanh, lúa ngát đến với không gian hoài cổ để thấu hiểu một quãng trầm trong dòng đời của Tố Nga.
"Hà Nội không sinh ra Nga nhưng chứng kiến những thăng trầm cuộc sống, những khổ đau và hoan ca. Hà Nội chính là nơi Nga nhớ nhất khi đi xa", nữ ca sĩ tâm sự. Hà Nội cũng cho Tố Nga những người thân như ruột thịt trong đó có NSƯT Phạm Phương Thảo. Chọn sáng tác Thương ơi lòng mẹ của người em thân thiết, Tố Nga làm người nghe xúc động bởi giọng hát truyền cảm.
Điểm nhấn của Con đường âm nhạc tháng 9 là màn song ca rất tình của Tố Nga và đàn anh - NSND Quang Vinh cùng sự hỗ trợ của các giọng ca trẻ kết hợp rap đầy trẻ trung trong ca khúc đậm màu sắc dân ca Đưa anh về Hà Tĩnh.
MC Mỹ Vân hỏi điều gì khiến NSND Quang Vinh dành tình cảm đặc biệt cho Tố Nga khi hai lần đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc trong liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát và Con đường âm nhạc, NSND Quang Vinh hóm hỉnh trả lời: "Tố Nga xứng đáng được tôi dành cho tình cảm đặc biệt. Tố Nga cũng nhận được những tình cảm đặc biệt từ công chúng thì chẳng có lý do gì một người gần gũi như tôi không quý, không thương". Tố Nga cảm động vì “anh Vinh dành cho Nga một từ đó là Thương'.
Anh Thư