Tình dang dở
Ngày còn trẻ, trong một lần đến huyện Hóc Môn (TP.HCM) thăm anh trai đang học lái xe, bà Đặng Thị Nguyệt (hiện 62 tuổi) gặp ông Võ Công Lý (hiện 67 tuổi). Trước đó, bà Nguyệt thường xuyên được anh trai kể về ông Lý nên có nhiều ấn tượng, thậm chí thầm ngưỡng mộ ông.
Khi gặp nhau trực tiếp, thấy ông đẹp trai, lịch lãm, bà càng thêm cảm mến, yêu thích. Dù vậy, bà vẫn giữ kín tình cảm ấy trong lòng, không dám thổ lộ.
Trong khi đó, dù được anh trai bà Nguyệt giới thiệu trước về em gái nhưng khi gặp mặt, ông Lý chưa có cảm tình đặc biệt với bà. Sau đó, ông nhiều lần được anh bà Nguyệt mời đến nhà chơi.
Sau nhiều lần tiếp xúc, ông Lý bắt đầu có cảm tình với cô gái siêng năng, giỏi việc nhà. Dẫu vậy, vốn là người nhút nhát, kiệm lời, ông cũng không dám thổ lộ tình cảm của mình.
Thấy vậy, bà Nguyệt tìm cách “bật đèn xanh” cho ông. Mỗi lần ông Lý đến chơi nhà, bà không giấu nổi niềm vui. Bà chủ động trò chuyện, trêu chọc ông như một cách giúp ông tự tin, nhận ra tình ý của mình.
Cuối cùng, ông Lý cũng mạnh dạn mời bà Nguyệt đi chơi. Sau nhiều lần đạp xe chở nhau đi dạo, ông Lý đưa bà Nguyệt vào hồ Kỳ Hòa chơi. Tại đây, cả hai có với nhau cái nắm tay đầu tiên.
Khi đang yêu say đắm, chuyện tình của ông bà bất ngờ gián đoạn. Tại chương trình Tình trăm năm tập 191, ông Lý kể: “Học lái xe xong, tôi được lệnh nhập ngũ, sang Campuchia. Tôi đi mà không kịp nói lời tạm biệt và không cho cô ấy biết. Bởi lúc ấy ra đi, tôi đâu có hẹn ngày về”.
Ngày được anh trai cho biết tin ông Lý nhập ngũ, bà Nguyệt buồn thương ngơ ngác. Bà chủ động viết thư gửi ra chiến trường thăm hỏi ông. Thế nhưng sau ít lần nhận được hồi âm, bà bất ngờ mất liên lạc với ông.
Không có tin tức của người yêu lại sợ tuổi trẻ trôi nhanh, bà Nguyệt quyết định không chờ đợi nữa. Bà kể: “Tuổi trẻ bồng bột, ông ấy ra đi mà không hứa hẹn gì với tôi. Tôi viết thư đi nhưng không nhận được thư về, nên tôi quen người khác rồi lấy chồng luôn.
Cuối năm 1981 tôi lấy chồng, năm sau sinh con. Lúc ấy tôi còn trẻ, yêu thương mà không tìm hiểu kỹ nên khi bé chưa được 1 tuổi, vợ chồng tôi đã chia tay”.
Hôn nhân đổ vỡ, bà Nguyệt ở vậy nuôi con. Thương em gái sớm chịu cảnh mẹ đơn thân, anh trai bà Nguyệt tìm hiểu và liên lạc được với ông Lý. Ông cho bạn mình biết em gái đã lấy chồng, nhưng không hạnh phúc và đã chia tay.
Trước đó, nghe tin người yêu đi lấy chồng, ông Lý như chết trong lòng. Nhưng rồi ông nghĩ mình đi giữa mưa bom, bão đạn, không hẹn ngày về và cả hai cũng chưa thề hẹn cùng nhau nên không oán trách bà. Ông tự nhủ mình chỉ buồn một thời gian rồi vết thương lòng sẽ nguôi ngoai.
Nối lại tình xưa
Năm 1983, ông Lý trở về. Lúc này, con bà Nguyệt đã gần 2 tuổi. Thấy hoàn cảnh tình cũ đơn chiếc, một mẹ một con, ông vô cùng xót xa. Ông tâm sự: “Tôi thương đứa bé nhiều hơn bởi bé còn nhỏ nhưng thiếu thốn đủ thứ.
Sau nhiều lần đến thăm, tôi nghĩ nếu trước đây mình thề hẹn, chắc cô ấy sẽ không đi lấy chồng, sẽ đợi mình. Như thế, cô ấy sẽ không chịu cảnh đứt gánh giữa đường như thế. Thấy cô ấy khổ, tôi cảm thấy mình có một phần lỗi lầm trong đó. Cuối cùng, tôi chủ động ra lời muốn cùng cô ấy hàn gắn, nối lại tình xưa”.
Thế nhưng lúc ấy bà Nguyệt lại mặc cảm, tự ti. Bà cảm thấy không xứng đáng với ông. Hơn thế, gia đình ông Lý kiên quyết phản đối chuyện con trai chưa vợ đi cưới người đã có chồng, có con riêng.
Dẫu vậy, ông Lý vẫn quyết tâm theo đuổi mối tình đầu. Ông thương con riêng của bà Nguyệt bằng cả trái tim, khiến cô bé yêu mến ông như cha ruột. Đi đâu bé cũng theo, đòi ông ẵm bồng khiến bà Nguyệt cảm động, mở lòng.
Hơn một năm sau, ông bà quyết định đến với nhau. Nhưng vì bố ông Lý gặp tai nạn qua đời, nên ông bà không tổ chức đám cưới.
Về chung một nhà, ông Lý lái xe thuê mưu sinh. Sau đó, ông vay mượn, mua chiếc xe tải để chạy riêng. Dẫu vậy, cuộc sống ông bà vẫn rất chật vật. Ông Lý nhiều lần phải tránh mặt, không dám về nhà vì bị chủ nợ đến đòi tiền.
Để có tiền chăm lo gia đình, trả nợ, nuôi con, ông Lý cố gắng làm ăn. Ông chạy xe đường dài, lâu lâu mới về nhà một lần. Ở nhà hầu như chỉ có một mình bà Nguyệt chăm sóc con.
Bà Nguyệt nhớ lại: “Lúc đó, tôi đi làm cô nuôi dạy trẻ nên phải gửi con mình ở chỗ khác để đi giữ con cho người ta. Buổi trưa, tôi cho các bé mình đang giữ ăn uống xong mới lật đật lấy xe đạp chạy đến nhà trẻ của con để cho con bú.
Đến nơi, các bé đều đã có phụ huynh cho bú cả rồi, chỉ còn con tôi là chưa được mẹ cho bú. Bé cứ nằm trong nôi, đưa hai tay ra đòi bú. Thấy cảnh ấy, nước mắt trong tôi cứ trào ra. Rồi đến kỳ đóng tiền nhưng tôi chưa có, con bị nêu tên… tôi xem mà chỉ biết khóc trong lòng”.
Hơn thế, một lần ông Lý chạy xe tải ra Kon Tum và bị kẹt lại mấy tháng. Ông không về và cũng không có tiền gửi về cho vợ nuôi con. Không còn cách nào khác, bà Nguyệt đành ôm con về nương nhờ nhà mẹ đẻ.
Trong vô vàn khó khăn, bà Nguyệt chưa bao giờ có ý định chia tay chồng. Ngược lại, bà luôn mang ơn ông vì đã thương yêu bà và các con, đặc biệt là cô con gái riêng của bà. Tình cảm ấy giúp bà vượt qua những phút giây yếu lòng, tủi thân để cùng chồng làm ăn, vượt khó.
Năm 1987, sau những cố gắng không mệt mỏi, ông bà trả hết nợ, cuộc sống dần ổn định. Ít năm sau, ông Lý mua thêm một chiếc xe. Ông thuê người chạy để ở nhà chăm sóc con, đỡ đần bà Nguyệt.
Cuối chương trình, ông Lý gửi đến bà Nguyệt bức thư tay đầy xúc động. Thư có đoạn: “Tình yêu chúng mình đã trải qua nhiều năm, ngày càng sâu đậm, nồng nàn… Anh sẽ dành tất cả những gì mình có thể để đem lại hạnh phúc cho em và bù đắp những tổn thương khi xưa”.
Trước khi chia tay chương trình, ông Lý tiếp tục gửi những lời yêu thương đến vợ: “Anh rất trân quý tình cảm và sự hy sinh của em đối với gia đình. Anh không biết nói gì cả, chỉ biết cảm ơn em”.
Đáp lại tình cảm của chồng, bà Nguyệt rưng rưng xúc động. Bà cho biết mình hiểu và ghi nhận tình yêu của chồng. Tuy nhiên, bà có một mong ước là cả hai sẽ được sum họp, ở chung một nhà. Bởi cách đây ít năm, ông Lý về quê chăm sóc mẹ già lâm bệnh rồi ở lại Long An đến bây giờ.