Giữa tháng 5, tin giả về việc chiếc máy bay mang số hiệu MH370 trở về nguyên vẹn sau 6 năm được nhiều trang Facebook lan truyền. Tiêu đề bài viết “CNN: Chấn động MH370 trở về giữa tâm dịch sân bay Narita, Nhật Bản sau 6 năm mất tích” được trang tintucvietnam*** đăng tải thu hút sự chú ý của nhiều người. Tuy vậy, đây hoàn toàn là thông tin bịa đặt.
Bản tin giả được nhiều người chia sẻ trên Facebook. |
Nội dung bài viết kể về việc ngày 11/5, sân bay Narita, Nhật tiếp nhận một chuyến bay “đến từ quá khứ”. Chuyến bay có số hiệu MH370 và hộ chiếu của toàn bộ hành khách đều cho thấy họ là những người đã mất tích từ 6 năm trước.
“Theo đó, những hành khách trên chuyến bay nói trên đã lạc vào vùng không gian không xác định khiến 2 tiếng bay của họ tại đó dài bằng 6 năm ngoài hiện thực. Đó là lý do khiến họ không già đi và vẫn trẻ trung như khi họ mất tích năm 2014”, trích nội dung tin giả.
Theo Snope, chuyên trang kiểm tra tin đồn trên Internet, bài viết này được lan truyền từ năm 2017 bởi những trang web không chính danh. Mục đích của việc loan tin giả này là tăng lượng xem nhằm kiếm tiền từ hiển thị quảng cáo.
Thực tế, CNN, trang tin tức lớn của Mỹ chưa từng đăng tải bất cứ bài viết nào có nội dung tương tự. Việc chèn từ khóa “CNN” vào tiêu đề mục đích để người dùng có lòng tin hơn vào tin tức giả mạo trên.
Hình ảnh trong bài viết đều không phải chiếc máy bay mang số hiệu MH370. Ảnh: Getty. |
Đồng thời, việc MH370 trở về an toàn là điều không thể bởi các mảnh vỡ của chiếc máy bay này đã được tìm thấy lần đầu ở đảo Reunion, Pháp hồi tháng 7/2015.
Theo Bloomberg, một số mảnh vỡ khác của chiếc máy bay còn được tìm thấy ở đảo Pemba, Tanzania. Tháng 10/2016, Ủy ban An toàn Giao thông Australia đã chứng minh những mảnh vỡ được tìm thấy trên đảo Mauritius trùng khớp với đầu cánh máy bay Boeing 777 số hiệu MH370.
Ngoài việc MH370 trở lại an toàn, nhiều tin giả khác liên quan đến chuyến bay xấu số này cũng được lan truyền trong suốt 6 năm qua.
Tháng 1/2019, người dùng Facebook tại Việt Nam lan truyền tin đồn về hình ảnh của chiếc máy bay xuất hiện trên Google Maps ở khu vực núi Bạch Mã, gần ranh giới giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Nhiều ý kiến cho rằng đây là vị trí gặp nạn của chiếc máy bay MH370. Tuy vậy, đây chỉ là hình ảnh chụp vệ tinh của một chiếc máy bay vô tình đi qua.
Tin giả về MH370 tràn ngập YouTube. |
Các tin giả khác như việc MH370 xuyên không, cơ trưởng trở về sau 2 năm, tìm thấy xác máy bay tại tam giác quỷ Bermuda... đều bị trang Snope bác bỏ.
Tin giả về MH370 được lan truyền dưới nhiều hình thức. Phổ biến nhất là các trang tin được tạo ra với mục đích tăng lượt xem quảng cáo. Một số kênh YouTubecũng là nguồn phát tán những tin giả để kiếm tiền từ quảng cáo. Với tiêu đề "MH370 đã đáp xuống Campuchia, lộ kế hoạch khủng khiếp của phi công", kênh YouTube Thời Sự *** nhận được hơn 600.000 lượt xem.
Cũng nhằm tăng tương tác, nhiều trang Facebook cũng đăng tải tin giả về MH370. Bài viết có tiêu đề "Phi công MH370 đang sống tại Đài Loan" nhận được hơn 100 lượt chia sẻ, 2.000 tương tác và 400 bình luận.
(Theo Zing)
Zuckerberg đổ thêm dầu vào trận chiến Trump - Twitter
CEO Mark Zuckerberg giữ Facebook tránh xa khỏi cuộc chiến giữa Tổng thống Trump và Twitter khi cho rằng các mạng xã hội không nên kiểm duyệt phát ngôn chính trị.
Lúc nào ngồi trên máy bay là nguy hiểm nhất: Cất cánh, hạ cánh hay đang ở trên không?
Có một giai đoạn là nguyên nhân gây ra tới 49% trong tất cả các tai nạn chết người liên quan tới máy bay.