Do nhu cầu thị trường tăng, cây ca cao ngày càng được coi là loại cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Tại Tây Nguyên, một mô hình liên kết sản xuất mới đang được thiết lập với mục tiêu phát triển bền vững cây ca cao.

Cầu tăng- cung giảm và cơ hội cho Việt Nam

Mức sống được cải thiện và sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazil hay Trung Quốc dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sô-cô-la ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn cung ca cao thế giới không ngừng giảm do các yếu tố về sự già cỗi của vườn cây, thời tiết bất thường, sâu bệnh, đặc biệt là tại Tây Phi và Indonesia. Giá ca cao vì thế đã liên tục tăng mạnh trong thời gian qua.

Theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu hàng hóa có uy tín, trong thời gian qua, ca cao hiện là một trong số ít những nông sản duy trì mức giá cao ổn định, trong khi hầu hết các nông sản khác đều ở chu kỳ giảm giá. Giá ca cao được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và ổn định trong nhiều năm tới.

{keywords}

Bên cạnh đó, nông dân Việt Nam cũng được đánh giá là nhanh nhạy trong nắm bắt và tiếp thu kỹ thuật mới. Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức Chính phủ, các công ty tư nhân như Mars, Cargill, Puratos Grand Place, Cao Nguyen Xanh … đã có nhiều nông dân trồng cây ca cao thành công cho năng suất 2 đến 3kg hạt khô/cây.

Phát triển chưa xứng tiềm năng

Mặc dù có rất nhiều điều kiện thuận lợi nhưng ngành cacao Việt Nam vẫn chưa phát huy được tiềm năng, đặc biệt về vấn đề mở rộng diện tích. Theo số liệu của Cục Trồng trọt, hiện tại, diện tích cacao trên cả nước còn ít, mới đạt khoảng 20.000ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 là 60.000ha. Các vườn ca cao đều có quy mô nhỏ, trồng phân tán dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và liên kết thị trường.

Theo ông Đinh Hải Lâm, nguyên Giám đốc Phát triển Ca cao của công ty Mars Incorporated, người có hơn 10 năm gắn bó với sự phát triển của ngành ca cao Việt Nam thì một trong những nguyên nhân làm cho ngành ca cao chưa phát huy được tiềm năng là do trong thời gian qua, ngành ca cao Việt Nam chủ yếu được xây dựng bởi các dự án NGOs và các các dự án xóa đói giảm nghèo, đối tượng là những nông dân có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực ít phù hợp. Hơn nữa, ngành này thiếu sự tham gia đầu tư của khối doanh nghiệp, thiếu các liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, thay vào đó, doanh nghiệp chỉ chạy lòng vòng để thu mua hạt.Và quan trọng hơn cả, ca cao chưa được nhìn nhận rộng rãi như là một sự lựa chọn tốt về kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp.

Hướng đi mới: Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm

Theo ông Lâm,để ngành ca cao có thể phát triển lớn mạnh, bền vững, cần tư duy mới và hướng đi mới. Trong đó việc lựa chọn địa bàn phù hợp, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân là các yếu tố then chốt.

Với tư duy đó, ông Lâm cùng các đối tác đã thành lập nên Công ty Cổ phần Cacao Intercontinental (CIC) để xây dựng các nông trường cacao trên quỹ đất của CIC. Từ những nông trường này, CIC sẽ mở rộng việc trồng trọt ca cao tới các nông hộ nhỏ thông qua liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Nông trường ca cao đầu tiên của CIC sẽ được triển khai tại Đắk Lắk với mục tiêu sở hữu và trồng 2.000 héc ta ca cao đồn điền, ký kết hợp đồng sản xuất trọn gói 3.000 ha với các nông dân trung lưu sống quanh khu vực đồn điền của công ty, có đất đai phù hợp để trồng ca cao và phát triển trồng 10.000ha thông qua mô hình liên kết sản xuất với các nông hộ nhỏ.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, CIC thiết lập và quản lý các nông trường ca cao của công ty bằng những công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất. Bên cạnh đó, CIC cũng hướng tới cung cấp giải pháp tổng thể về canh tác ca cao cho những hộ nông dân liên kết sản xuất với công ty thông qua việc hỗ trợ vay vốn để mua vật tư đầu vào, đào tạo kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.Các giải pháp kỹ thuật của CIC đều hướng tới việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm thiểu công lạo động.

Kinh nghiệm từ các các ngành hàng khác nông sản ở Việt Nam như cao su, cà phê, chè, mía đường, tinh bột mỳ…. . Các ngành hàng này đều được phát triển thông qua sự đầu tư thỏa đáng của các doanh nghiệp, các nông trường lớn làm nền tảng và động lực cho các nông hộ nhỏ làm theo. Mô hình đồn điền của CIC hứa hẹn sẽ thúc đẩy ngành ca-cao Việt Nam theo hướng phát triển bền vững trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp và các nông hộ nhỏ.

Doãn Phong