Xóa đói giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Cuối những năm 70 - đầu những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước từng ở trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, có khoảng 60% số hộ gia đình rơi vào nghèo đói, cùng cực.

Trong bối cảnh đó, tại Đại hội VI (1986), Đảng đã dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, với mục tiêu bao trùm là thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, đưa đất nước sớm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo,” về đích trước gần 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015).

Tuy nhiên công công tác xóa đói, giảm nghèo vẫn luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta. Không những vậy, cách thức tính toán và xác định tiêu chí về hộ nghèo luôn được thay đổi, cập nhật với tình hình thực tế, phù hợp với cách tính chung của quốc tế nhằm làm cho công tác xóa đói giảm nghèo được đa chiều và bền vững.

Ngày 2/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Sau đó, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được thành lập cả ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng.

Sang giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam không chỉ áp dụng chuẩn nghèo mới mà còn thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, góp phần giải quyết các vấn đề nghèo đói có trọng tâm, trọng điểm, cấp bách, có mục tiêu, thời hạn rõ ràng. Song song với hệ thống chính sách giảm nghèo thường xuyên, Việt Nam phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (từ năm 1998) tập trung hỗ trợ có mục tiêu cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và người nghèo.

Ngày 28/7/2021, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Chương trình tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng “lõi nghèo”, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người nghèo, đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm tốt, hỗ trợ đối tượng yếu thế không rơi vào tình trạng nghèo đói.

Nhìn lại gần 35 năm đổi mới, có thể thấy, nhận thức và quan điểm của Đảng về xóa đói - giảm nghèo ngày càng sâu rộng hơn, toàn diện hơn, thể hiện trên những phương diện chủ yếu sau :

Chuyển từ quan điểm xóa đói - giảm nghèo mang nặng tính hành chính tập trung, quan liêu, bao cấp, bình quân chủ nghĩa trong thể chế phát triển cũ, sang quan điểm xóa đói giảm nghèo trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, nhiều thành phần, hội nhập quốc tế; từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế.

Chuyển từ quan điểm xóa đói - giảm nghèo mang nặng tính hỗ trợ đời sống, tính bình quân, sang gắn với bình đẳng, công bằng xã hội và tạo động lực phát triển. Xóa đói giảm nghèo là một nội dung quan trọng trong các các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển; gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tạo sinh kế bền vững.

Gắn kết hữu cơ giữa hai phương diện (hai loại chính sách) xóa đói - giảm nghèo và khuyến khích làm giàu chính đáng theo pháp luật; theo phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”.

Chuyển từ xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ chỉ của Nhà nước, sang kết hợp có hiệu quả vai trò chủ đạo của Nhà nước với vai trò của xã hội (các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng dân cư, các hộ gia đình và từng cá nhân…); phát huy cao năng lực nội sinh của từng người, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đem tài dân, sức dân làm lợi cho dân”.

Đặt nhiệm vụ xóa đỏi giảm nghèo trong tổng thể các chính sách xã hội, nhất là phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, đảm bảo phúc lợi xã hội và các dịch vụ công cơ bản; gắn liền với phát triển sản xuất kinh doanh. Kết hợp chặt chẽ, hợp lý các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội. Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Trong công cuộc xóa đói - giảm nghèo, cùng với quan tâm ở bình diện chung, đặc biệt quan tâm đối với các đối tượng yếu thế, các khu vực đồng bào dân tộc ít người, các vùng đặc biệt khó khăn, các đổi tượng ưu đãi xã hội (như những người có công, trẻ em, người tàn tật...).

Quan niệm và tiêu chí về xóa đói giảm nghèo ngày càng được nâng cao, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế: từ xóa đói giảm nghèo cùng cực, nghèo lương thực, nâng dần lên thành chuẩn nghèo thu nhập; rồi được nâng lên chuẩn nghèo theo tiếp cận đa chiều (tiếp cận chung của thế giới), trong đó đảm bảo mức sống tối thiểu về thu nhập và tính đến sự thiếu hụt về “các chiều” giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin… Đồng thời xác định giảm nghèo bền vững là một nội dung quan trọng của phát triển nhanh - bền vững tổng hợp cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường; gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thực hiện: Lương Bằng, Ngọc Quý, Đức Yên