Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính với doanh thu tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 18.429 tỷ đồng. Ban lãnh đạo doanh nghiệp lý giải kết quả trên đạt được chủ yếu nhờ thị trường nội địa phục hồi nhanh chóng.
Tuy nhiên, việc giá nhiên liệu tăng nhanh và mạnh khiến hãng hàng không quốc gia vẫn phải chịu cảnh kinh doanh dưới giá vốn. Từ đó, Vietnam Airlines lỗ gộp 377 tỷ đồng.
Đi kèm với hoạt động kinh doanh bước đầu trở lại bình thường, các chi phí bắt đầu tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính tăng gấp 2,7 lần lên 1.148 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng tăng gấp hơn 2 lần lên 659 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 6% lên 480 tỷ đồng.
Kết quả, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 2.568 tỷ đồng, trong khi con số của cùng kỳ năm ngoái là âm 4.530 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là quý thua lỗ thứ 10 liên tiếp của Vietnam Airlines.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, hãng hàng không quốc gia ghi nhận 30.113 tỷ đồng doanh thu, tăng 113% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, hãng bay này lỗ ròng 5.254 tỷ đồng, giảm gần 3.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết tháng 11/2021, hãng này đã xây dựng kịch bản nhiên liệu bay dự kiến là 80 USD/thùng Jet A1 (bình quân của các năm trước chỉ 76 USD/thùng). Tuy nhiên, sang năm nay, bình quân 6 tháng đầu năm giá nhiên liệu lên tới 116 USD/thùng Jet A1, đến tháng 7 là 165 USD/thùng Jet A1 - gấp đôi dự kiến.
"Chỉ cần chênh lệch 1 USD nhiên liệu bay đã làm tăng chi phí của Vietnam Airlines lên 10 tỷ đồng/tháng. Với sự chênh lệch từ 80 USD/thùng Jet A1 đến 116 USD/thùng Jet A1, 6 tháng đầu năm Vietnam Airlines phát sinh thêm chi phí nhiên liệu bay khoảng 2.300 tỷ đồng", đại diện hãng cho hay.
Tại thời điểm 30/6, khoản lỗ lũy kế của Vietnam Airlines là khoảng 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 4.914 tỷ đồng, tăng 2.700 tỷ đồng so với thời điểm hết quý I.
Về kết quả vận chuyển nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đạt gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 24,6% so với kế hoạch.
Thị trường quốc tế, vốn mang tới 65% doanh thu của Vietnam Airlines, nhưng mới chỉ đạt khoảng 12% so với trước đại dịch do các rào cản nhập cảnh khiến nhu cầu đi lại bị hạn chế đáng kể. Vietnam Airlines mới nối lại 35 đường bay quốc tế, bằng 53% so với trước đại dịch.
Năm nay, "ông lớn" ngành hàng không Vietnam Airlines đặt mục tiêu lỗ ròng 9.335 tỷ đồng. Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền lý giải tại phiên họp thường niên rằng yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới ngành hàng không rất nhiều, đặc biệt là giá nhiên liệu. Giá dầu đang ở ngưỡng gấp đôi năm 2021 và Vietnam Airlines ước tính nếu giá vẫn giữ nguyên từ giờ đến cuối năm, chi phí của doanh nghiệp bị đội thêm 4.300 tỷ đồng.
Các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực khác, theo ông Hiền, đến từ tỷ giá và lãi suất. Do đó, đại diện hãng cho rằng số lỗ mục tiêu 9.335 tỷ đồng trong năm nay "đã là một cố gắng, khá khiêm tốn và tích cực".
(Theo Dân Trí)