Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, của Quân đội trong thời kỳ mới, góp phần hiện thực hóa đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, Quân đội cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này, đáp ứng yêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, những năm qua, Quân đội vừa chủ động tham mưu, vừa trực tiếp triển khai tham gia nhiều hoạt động trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời, khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên thực tế, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng như làm lan tỏa phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” đối với bạn bè quốc tế. Thông qua hoạt động quan trọng và đầy ý nghĩa này, đã truyền đi thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, góp phần tạo thế và lực, bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình.

Qua hơn 08 năm triển khai lực lượng đối với hình thức đơn vị, Việt Nam đã tham gia 04 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Xu-đăng. Tháng 5/2022, Việt Nam cử Đội Công binh tới Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei) với quân số 184 người, đông gấp ba lần quy mô của một bệnh viện dã chiến cấp 2. Đây là đội hình cấp đơn vị có số lượng thành viên lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Cùng với hoạt động của Bệnh viện dã chiến, Đội Công binh của Việt Nam cung cấp các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, giúp các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hoàn thành sứ mệnh gìn giữ, kiến tạo hòa bình, tái thiết đất nước, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân nước sở tại.

Đối với hình thức cá nhân, tính đến tháng 8/2022, Việt Nam đã cử 78 lượt sĩ quan của Quân đội và 04 sĩ quan Cảnh sát tham gia các nhiệm vụ: liên lạc, tham mưu, truyền thông, phân tích thông tin tình báo, điều tra, quan sát viên quân sự,... tại 03 phái bộ: Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi và UNISFA. Đáng chú ý là, từ năm 2020 đến nay, mặc dù quy chế tuyển chọn vô cùng nghiêm ngặt, nhưng chúng ta đã có 05 sĩ quan (04 quân nhân và 01 cảnh sát) vượt qua gần 200 sĩ quan ứng thi từ các nước thành viên khác của Liên hợp quốc trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ) và Sở Chỉ huy Phái bộ Cộng hòa Trung Phi. Đây là bước tiến vượt bậc khẳng định năng lực, uy tín, trách nhiệm của Việt Nam đối với sự nghiệp gìn giữ hòa bình thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký: 09 bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương với 09 nước (Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Newzealand, Liên bang Nga), 02 bản ghi nhớ với Liên hợp quốc về triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Phái bộ Nam Xu-đăng (UNMISS) và triển khai Đội Công binh đến Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), 01 bản thỏa thuận kỹ thuật với Liên minh châu Âu (EU). Thông qua hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, chúng ta đã vận động tài trợ được hàng chục triệu USD để xây dựng giảng đường, mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo ngoại ngữ, tập huấn, huấn luyện chuyên ngành, diễn tập quốc tế và vận chuyển lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Mặc dù tham gia muộn hơn so với một số quốc gia khác và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng với cam kết chính trị mạnh mẽ, đóng góp lâu dài cho sứ mệnh chung, sự chủ động, tích cực, sáng tạo, nhạy bén trong quá trình hoạt động, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Liên hợp quốc, bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao cả về hiệu quả hoạt động, trình độ, năng lực cán bộ và lĩnh vực tham gia. Đây chính là tiền đề, động lực quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, gia tăng nguồn lực, tiếp thu khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển lực lượng quân sự, quốc phòng, an ninh của các nước đối tác, góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội, Công an, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng chụp ảnh lưu niệm với Đội Công binh số 1 trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Abyei

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có biến chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, khó dự báo; các nước lớn vừa linh hoạt điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại, vừa cạnh tranh nhau gay gắt. Tình trạng xâm phạm chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố, ly khai,… thiên tai, dịch bệnh có xu hướng gia tăng, diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực, tác động mạnh đến tình hình an ninh, chính trị và nền hòa bình thế giới, đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tình hình đó đòi hỏi toàn quân, trực tiếp là các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng; trên cơ sở đó, tập trung nghiên cứu, nắm chắc tình hình, xác định đúng lĩnh vực tham gia, không ngừng đẩy mạnh, nâng tầm hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bằng những nội dung, giải pháp khoa học, phù hợp.

Trước hết, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về đối ngoại, hội nhập quốc tế trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là giải pháp quan trọng bảo đảm cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tuân thủ đúng định hướng của Đảng, cũng như phương châm, phương pháp đã xác định và đạt hiệu quả thiết thực. Vì vậy, các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cần tập trung quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, chỉ thị, văn bản của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế, đối ngoại, đối ngoại quốc phòng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, mà trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị định số 22/2016/NĐ-CP, ngày 31/3/2016 của Chính phủ “Quy định về công tác đối ngoại quốc phòng”; Nghị quyết số 130/2020/QH14, ngày 13/11/2020 của Quốc hội về “Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, v.v. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, bước đi cụ thể, khoa học, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, điều kiện của đất nước, của Quân đội, Công an, yêu cầu của Liên hợp quốc, khả năng của lực lượng gìn giữ hòa bình và tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.

Hai là, tập trung nâng cao trình độ, năng lực công tác của từng lực lượng để chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là khâu đột phá trong thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng, nhất là trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Để nội dung này đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, trước hết Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương cần làm tốt công tác tạo nguồn nhân lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hướng bảo đảm số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao, chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Đẩy mạnh công tác đào tạo, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo trong nước với gửi cán bộ đi đào tạo, tập huấn ở nước ngoài; chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) kết hợp với tiếng bản địa, nâng cao kiến thức về đất nước, con người, năng lực chuyên môn gắn với chức năng, nhiệm vụ từng phái bộ theo lĩnh vực hoạt động, nhất là kỹ năng hòa nhập, thích ứng với điều kiện, môi trường an ninh, chính trị, quân sự diễn biến phức tạp. Chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ phát triển lực lượng, mở rộng phạm vi, địa bàn, lĩnh vực, mức độ, cấp độ hoạt động theo Đề án đã xác định và thống nhất với Liên hợp quốc; nâng cao hiệu quả hoạt động các lĩnh vực đang tham gia và từng bước mở rộng lực lượng, như: cá nhân hoạt động độc lập ở các phái bộ, bộ binh, quân cảnh, công an, dân sự, v.v.

Trước mắt, tập trung chuẩn bị tốt mọi mặt tham gia ứng thi vào làm việc tại cơ quan thường trực của Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ). Thường xuyên nâng cao năng lực tham mưu tác chiến, huấn luyện, bảo đảm hậu cần, xây dựng kế hoạch, xử lý tình huống, truyền thông, tổng hợp, điều tra, báo cáo với chỉ huy các phái bộ. Đặc biệt, coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó, truyền thụ và đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động cho các đợt, khóa, nhiệm kỳ công tác tiếp theo. Tích cực mở rộng hợp tác quốc phòng song phương về lĩnh vực gìn giữ hòa bình với các đối tác trên thế giới; trên cơ sở đó, đẩy mạnh việc vận động tài trợ, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tạo tiền đề, động lực mới để phát triển, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.

Ba là, tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương, nhất là Tổ Công tác liên ngành và Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là nội dung quan trọng, tạo cơ chế thống nhất, đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này. Với tư cách là Cơ quan thường trực, vừa tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, vừa trực tiếp hiệp đồng, điều phối, triển khai thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước, các tổ chức quốc tế và các quốc gia đối tác. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Bộ Công an và các đối tác nước ngoài thực hiện thỏa thuận tài chính, thanh toán, bồi hoàn với Liên hợp quốc, mua sắm trang thiết bị; tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ theo đúng pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng. Tăng cường nghiên cứu khoa học về nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó đi sâu phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, phát triển, mở rộng các lĩnh vực công tác, phạm vi, mức độ, cấp độ tham gia hoạt động cụ thể; công tác hiệp đồng, chỉ huy, điều hành, giám sát hoạt động của các bộ phận trong điều kiện ở xa nước chủ quản, môi trường hoạt động phức tạp; phối hợp trong sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Quân đội, Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc, các nước có kinh nghiệm về hoạt động này để đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác trong triển khai lực lượng tại các phái bộ đạt hiệu quả. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền quan điểm, lập trường chính nghĩa, mục đích bảo vệ hòa bình thế giới của chúng ta với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với tư cách là một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, nhằm không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trọng tâm là lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là nhiệm vụ tổng hợp, mang tính đặc thù cao, với nhiều khó khăn, rủi ro, phức tạp, nên đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có nhận thức đúng, kế hoạch khoa học, hành động cẩn trọng, sáng tạo,... thì mới đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình cần tập trung giáo dục, tuyên truyền làm cho bộ đội nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; giúp họ có bản lĩnh, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết và xác định rõ trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nội dung giáo dục bảo đảm toàn diện; trong đó, đi sâu giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc nguyên tắc, cơ chế, điều khoản hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình; quan điểm, đường lối hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Tập trung quán triệt, giáo dục cho bộ đội nhận thức sâu sắc và phân biệt rõ sự khác nhau về bản chất giữa lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với các lực lượng liên quân đa quốc gia, bảo đảm cho họ có cơ sở lý luận, thực tiễn để tuyên truyền cho nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới hiểu rõ mục đích, ý nghĩa hoạt động quan trọng này nhằm góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới. Chú trọng giáo dục xây dựng cho các lực lượng của Việt Nam công tác tại Trụ sở Liên hợp quốc và tại các phái bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có quan điểm, tư duy khách quan, thái độ không thiên vị, trung lập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; bất luận trong điều kiện nào cũng phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân, không bị cám dỗ bởi điều kiện vật chất, có ý thức giữ gìn bí mật quân sự, bí mật quốc gia, chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và điều lệ, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Đồng thời, từng bộ phận, lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình cần xác định quyết tâm, tinh thần sẵn sàng hy sinh, vượt qua khó khăn, gian khổ, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị, trực tiếp là Cục Gìn giữ hòa bình (cả trong nước và nước ngoài) cần vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục tập trung theo chương trình cơ bản với huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng riêng theo từng khóa, nhiệm kỳ công tác; giáo dục thông qua giao nhiệm vụ cho các bộ phận với tự quán triệt, giáo dục, tích lũy qua thực tiễn hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ theo từng lĩnh vực đảm nhiệm. Kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để chống phá cách mạng Việt Nam.

Năm là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam là nhiệm vụ mới, mang tính tổng hợp, đặc thù cao, không chỉ liên quan đến chính sách, pháp luật của Việt Nam, mà còn phải tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp của nước sở tại, v.v. Vì thế, Cục Gìn giữ hòa bình cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện và điều chỉnh, bổ sung kịp thời hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đạt hiệu quả thiết thực. Quá trình nghiên cứu, tham mưu, đề xuất lực lượng gìn giữ hòa bình cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc: hoạt động gìn giữ hòa bình “đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý nhà nước của Chính phủ”1. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất từ Hiến pháp, Luật Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam, các nghị định, chỉ thị, thông tư, hướng dẫn về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Nghiên cứu, đề xuất, tham mưu điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lực lượng gìn giữ hòa bình; chú trọng phân cấp, phân định rõ thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong xây dựng, cử mới, điều chỉnh, thay thế, rút lực lượng, mở rộng vị trí, địa bàn, lĩnh vực hoạt động, công tác quản lý chỉ huy tại các phái bộ theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc. Hoàn thiện quy chế, chế tài kiểm tra, giám sát, thanh tra, phúc tra hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, công tác phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các bộ, ngành, lĩnh vực liên quan, giữa Quân đội Việt Nam với Quân đội các nước tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới .

Thượng tướng HOÀNG XUÂN CHIẾN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
________________

1 - Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam -  Nghị quyết số 130/2020/QH14, ngày 13/11/2020 về “Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”.